Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

EM ƠI BA LAN...

Em ơi Ba Lan... bởi Quan Tran Quoc vào ngày 09 tháng 2 2011 lúc 9:19 sáng
Định viết những bài ký về cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan đã lâu nhưng tôi chưa sắp xếp được thời gian. Gần đây những bài viết của Misha Doan, Thần Gió, Hoang Minh Ngo... về Liên Xô, về Ba Lan như một sự thôi thúc, truyền cảm hứng cho tôi bắt tay vào viết kí ức về một thời kỳ đã qua. Đây là những câu chuyện thật 100% diễn ra trong một không gian rộng từ Việt Nam, đến Liên Xô, đến Ba Lan được tác giả viết lại. Tổng hợp các sự kiện từ chính cuộc đời mình, từ vai trò nhân chứng, từ vai trò người trong cuộc tác giả muốn đem đến cho bạn đọc một góc nhìn khái quát về một thời vừa huy hoàng, vừa đau thương nhưng rất đáng nhớ.
Phần1: Ngã rẽ mới của cuộc đời
          Nguyên biết đến Ba Lan lần đầu tiên có lẽ từ câu thơ của Tố Hữu „Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan, Đường bạch dương sương trắng nắng tràn”. Lớn thêm một chút nữa Nguyên biết thêm về Ba Lan qua những bộ phim cực đỉnh thời bấy giờ như Con Hủi, Thầy Lang, Nạn hồng thuỷ, Đại tá Volodizovski, Thế giới đàn bà…Đến khi vào trường đại học Nguyên lại được chứng kiến một số sinh viên vốn là lưu học sinh Ba Lan bị kỷ luật đuổi về nước vì nhiễm „các giá trị tư bản phương Tây”. Lạ nhỉ! Ba Lan là nước xã hội chủ nghĩa cơ mà, Nguyên không hiểu tại sao lại như vậy. Nhưng nhìn các anh chị cựu lưu học sinh Ba Lan ở trường nó trong trang phục quần loe, áo sơmi hoa cổ to với bộ tóc dài Nguyên hình dung được ít nhiều về một đất nước Ba Lan cởi mở và yêu chuộng tự do trong lòng hệ thống xã hội chủ nghĩa.
          Mới 25 tuổi Nguyên đã trở thành đảng viên. Người đời bảo trẻ thế mà vào đảng chắc vì cơ hội, Nguyên nhăn nhở cãi: chỉ đúng một nửa, 50% lí tưởng, 50% cơ hội. Nguyên là đảng viên trẻ nhất cơ quan lại cộng thêm cái mác con lão thành cách mạng. Thế là nguồn với lại kế cận chứ còn gì nữa, Nguyên tự mãn. „Giá, lương, tiền” tiến hành được ba tháng thì Nguyên cưới vợ. Đồng lương hai cử nhân kinh tế cùng làm ở cơ quan đầu não chính phủ vậy mà không nuôi nổi nhau. Vợ chồng Nguyên được cả hai đằng nội ngoại xúm vào giúp. Gom đủ tiền Nguyên  mua một máy dệt len 2 giàn. Chồng tranh thủ những chuyến đi công tác để buôn len, vợ tần tảo dệt áo đổ buôn cho các sạp ở chợ Đồng Xuân. Những tưởng đời Nguyên gắn bó với cơ quan và nghiệp len. Nhưng chỉ một câu khích tướng của vợ, đời Nguyên đã sang trang lần thứ nhất. Một đêm hai vợ chồng nằm bên nhau thao thức, vợ Nguyên hết trở mình lại thở dài mãi sau  mới thỏ thẻ: - Anh còn nhớ anh Nam khoa toán không? Anh ấy vừa thi nghiên cứu sinh đỗ đầu hội đồng kinh tế toàn quốc đấy. Nguyên chồm ngay dậy: - Thật hả, nó mà đỗ cao thế lẽ gì mình không đỗ. Biết vợ muốn mình thử sức nhưng ngại, lại nữa cái thằng Nam ấy ngày xưa từng hướng dẫn vợ Nguyên thực tập tốt nghiệp. Nổi cơn tự ái ngay hôm sau Nguyên lên phòng Đào tạo vụ Tổ chức cán bộ xin dự kì thi nghiên cứu sinh ngoài nước. Thế rồi Nguyên nhận được quyết định đi ôn thi đúng ngày vợ nó chuyển dạ sinh đứa con gái đầu lòng. Sau ba ngày thăm nuôi biết chắc vợ tròn con vuông, Nguyên đưa thẳng vợ con về đằng nhà ngoại. Trước là để trốn việc, sau là dồn thời gian vào việc đèn sách. Vốn là người hiếu thắng lại tham vọng nữa, Nguyên bước vào việc luyện thi với ý chí thép. Nguyên biết rằng nếu thi đỗ, tương lai gia đình bé nhỏ của nó sẽ rẽ sang một ngã mới như mọi người nói là đổi đời. Nếu thi không đỗ Nguyên sẽ không còn cái lỗ nẻ nào nữa để mà chui, hơn nữa cánh cổng quan lộ đầy triển vọng của nó sẽ khép chặt lại chẳng còn hy vọng thăng tiến.
          Sau tám tháng miệt mài bài vở Nguyên không những vượt qua được kỳ thi tuyển chọn nghiên cứu sinh ngoài nước mà còn lọt vào top five hội đồng kinh tế toàn quốc. Hồi đó kết quả thi không phải là tiêu chuẩn để chọn nước. Thực tình Nguyên chỉ biết thi chứ không mấy quan tâm mình sẽ đi đâu. Nhưng thằng bạn thi trước Nguyên một năm bảo: - Mày ngu lắm đi học chỉ để lấy kiến thức thì nước nào chả như nước nào, nhưng mày đi học đâu chỉ có mục đích cao cả là cứu nước, còn phải cứu nhà nữa chứ. Nguyên nghe thế gật gật nhưng thực tình nó chả biết chọn nước nào. Nguyên không có ai quen để hỏi thông tin về chuyện đời sống kinh tế ở mấy nước xã hội chủ nghĩa anh em. Lúc đó trong giới nghiên cứu sinh lưu truyền một câu châm ngôn „muốn giàu đi Đức, muốn kiến thức đi Nga”. Nguyên hỏi thằng bạn kia có đúng như vậy không. Thằng bạn trợn mắt mắng: - Mày đéo biết gì, câu đó xưa rồi. Thằng kia như quên hẳn việc Nguyên đi một phần để học, nó chỉ quan tâm mỗi việc tư vấn cho Nguyên chuyện kiếm tiền. Hắn thao thao lên lớp cho Nguyên là đi Đức ăn tiêu tằn tiện để dành tiền giỏi lắm chỉ mua được một cái xe máy môkích với hai ba cái xe đạp mifa chấm hết. Phải đi Ba Lan, đi Hung đánh thuốc về lại chả mua được bằng mười lần như thế. Nguyên cứ há mồm nghe thằng bạn thuyết giáo. Sau rồi Nguyên mới nhỏ nhẹ hỏi làm cách nào để được đi Ba Lan. Thằng kia lại cặn kẽ bày cho Nguyên cách tiếp cận ông cán bộ trên Bộ Đại học phụ trách mảng phân chỉ tiêu đi nước ngoài, rồi bảo nó cứ thế cứ thế ắt việc sẽ thành. Nguyên theo chỉ dẫn của thằng bạn mà làm. Số người phải chạy như Nguyên cũng không ít, sau mấy buổi bỏ công ngồi đập muỗi rình rập trước cửa nhà ông cán bộ nọ, nó cũng tiếp cận được đối tượng. Lấy can đảm trình bày nguyện vọng rồi đỏ mặt đặt mấy xấp vải len với mấy hộp sữa lên bàn Nguyên lí nhí xin phép ra về đem theo một lời hứa bâng quơ. Ngày tập trung tại hội trường đại học Kinh tế quốc dân để công bố việc phân nước, mãi đến khi nghe ông cán bộ kia đọc tên nó trong danh sách nghiên cứu sinh đi Ba Lan Nguyên mới tin đó là sự thật. Sau một năm vừa nuôi con nhỏ, vừa học ngoại ngữ tại Thanh Xuân, đúng đến ngày đến tháng Nguyên leo lên máy bay bay sang Ba Lan.
          Đặt chân đến Warszawa sau đó xuống Lodz, những hình ảnh hiện thực về chủ nghĩa xã hội phát triển khiến Nguyên thất vọng như người bước hụt. Dù trước khi đi Nguyên được giáo huấn trước rằng nước bạn đang gặp khó khăn do Công đoàn đoàn kết gây mất ổn định. Nhưng Nguyên vẫn không thể nghĩ được bức tranh Ba Lan tại sao lại khác xa với những điều nó hình dung đến thế. Sáng sớm trước các cửa hàng thịt, cá, đường… từng đoàn người lặng lẽ, kiên nhẫn xếp hàng. Các quầy hàng gần như trống trơn. Ở đâu cũng vậy. Nhiều loại nhu yếu phẩm phải mua bằng tem phiếu theo định mức.
          May được thằng bạn tư vấn, Nguyên mang theo một thùng carton TV chứa toàn kimono, áo phin thêu, vòng xương, lắc trai…Ba Lan lúc đó hàng hoá khan hiếm kinh khủng nên những thứ Nguyên mang theo đều bán được lãi gấp rưỡi, gấp đôi. Thế là ấm rồi! Nguyên bắt đầu cảm thấy tự tin hơn. Lương nghiên cứu sinh khi đó tính ra chỉ khoảng 10 USD/tháng. Vậy là ngay từ khi khởi nghiệp Nguyên đã lận lưng được số vốn bằng phụ cấp ăn học cả 5 năm trời ở Ba Lan. Do nền kinh tế kế hoạch hoá lại khép kín nên vào cuối những năm 80, đồng đô la Mỹ ở Ba Lan được thị trường định giá quá cao so với giá trị thực. Ví dụ một vé máy bay hai chiều Warszawa – Hà Nội transit qua Mockva khoảng 65 USD, giá thuê căn hộ một buồng, một bếp, một toilet giữa trung tâm Warszawa giá 20 USD/tháng, tiền ăn khá xông xênh chỉ hết 6 USD/tháng. Lạm phát lồng lên như con ngựa không kìm được dây. Chỉ số giá cả tăng đến 3 chữ số một năm.
Chưa kịp buồn Nguyên đã sớm nhận ra đây là cơ hội, là vận may để nó đổi cuộc đời công chức khốn khó thành cây, thành chỉ óng ánh vàng. Cái đêm trước khi ra sân bay, nằm bên vợ, Nguyên lạc quan quá đà vung tay hoạch định cái kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với lời hứa sẽ bảo vệ xong tấm bằng và đem về nước cho vợ 20 cây vàng. Vợ gõ ngón tay vào trán Nguyên thủ thỉ „liệu anh có điều chỉnh kế hoạch như chính phủ vẫn thường đề xuất với quốc hội không?”.
Phải nói rằng nghiên cứu sinh khi đi du học hầu hết đã có vợ có con. Thế nên động lực kiếm tiền của họ thôi thúc mạnh mẽ hơn nhiều so với tụi sinh viên. Sẵn có sạn trong đầu, khi phân phòng kí túc xá ở Trung tâm học tiếng Nguyên xung phong nhận phòng trên tầng 3 trong khi cả đoàn của nó ở hết dưới tầng trệt. „Cho vắng vẻ dễ bề làm ăn” Nguyên lẩm bẩm thế. Vượt lên mọi cám dỗ của sự ham vui, ham nhậu nhẹt Nguyên đã có những toan tính riêng cho mình.
Một lần lang thang lên Warszawa vào ngày chủ nhật để tìm mối bán kimono và vòng xương Nguyên được vợ chồng đại gia số một Ba Lan thời đó rủ về nhà ăn trưa. Trong buổi gặp mặt định mệnh Nguyên được họ bày cho bài học kiếm tiền thứ hai sau cái vụ nhặt tiền từ việc bán  hàng trong nước đem theo. Chị vợ bảo Nguyên về lùng kiếm các mối cung cấp thuốc với lời hứa sẽ bao tiêu toàn bộ. Không quen một ai từ khi đặt chân sang Ba Lan bỗng dưng Nguyên được gia nhập một đường dây làm ăn lớn. Như mở cờ trong bụng, Nguyên muốn hét to „con đường sáng đây rồi” y như khi Nguyễn Ái Quốc tìm được chủ nghĩa Mác-Lênin vậy.
                                        
Xí nghiệp bào chế thuốc
          Ngày qua ngày, sau giờ lên giảng đường với tấm bản đồ trong tay, Nguyên lặng lẽ ngồi tầu điện, trong khi tụi bạn của nó vùi đầu vào những cuộc chơi liên miên. Cứ thế lầm lũi Nguyên lặn lội xuyên màn đêm tuyết phủ để đặt chân đến cả 43 hiệu thuốc trên địa bàn thành phố. Thời gian đầu Nguyên rất ngại mỗi khi bước chân vào bên trong hiệu thuốc. Nguyên lấm lét nhìn mọi người với mặc cảm tội lỗi, sau mặt cứ dầy lên rồi quen dần. Nhiều nơi họ xua đuổi Nguyên, họ dọa gọi điện báo công an khi nó chưa kịp mở mồm. Có người nhìn Nguyên run rẩy trong chiếc áo khoác bị ngấm nước với ánh mắt đầy cảm thông. Nhưng Nguyên cóc cần sự thương hại, nó đang thèm những vỉ thuốc B1, B6, Bisepton, Ampicilin…óng ánh đang bày trên quầy hàng, trên tủ kính kia cơ. Hễ ai hỏi Nguyên từ đâu tới, nó trả lời ngay là sinh viên Bắc Triều Tiên. Trong con người Nguyên lúc đó vừa xen lẫn nỗi sợ hãi vì đang làm cái việc bất chính, vừa trỗi dậy lòng tự tôn dân tộc. Trời không phụ công kẻ cần mẫn, cuối cùng Nguyên cậy được 5 mối thuốc. Mà Nguyên không thèm rón rén một hai chục vỉ cò con như những thằng bạn khác, với nó đơn vị phải là hàng nghìn. Nguyên chẳng bao giờ chịu mất thì giờ lân la với mấy con bán hàng đỏng đảnh, nó tìm cách tiếp cận ngay cửa hàng trưởng để mỗi lần đến hẹn nó vác túi ba tầng lèn chặt các loại thuốc quí. Địa điểm giao thuốc thay đổi luôn y như hoạt động gián điệp vậy. May mà hồi đó tình hình an ninh ở Ba Lan chưa phải là mối đe doạ lớn đối với người nước ngoài.
          Có một lần đợi khi màn đêm buông xuống đặc quánh, Nguyên ngồi tầu đến tận bến cuối, nó lội tuyết thêm một quãng xa đến một bìa rừng ven đô để gặp đối tác cung cấp thuốc. Đứng chờ Nguyên ở địa điểm hẹn trước là một phụ nữ tóc vàng óng ả tuổi chưa đến bốn mươi, nhìn vẫn giòn gái lắm. Nguyên lúc đó tròn ba mươi nhưng mới bén hơi chưa lâu đã phải xa vợ. Khi người phụ nữ kia ghé sát tai Nguyên thì thầm báo số lượng, chủng loại và giá cả, nhịp tim nó đập loạn xạ. Trong hơi ấm hôi hổi của tấm thân đầy quyến rũ kia Nguyên ngửi thấy mùi thơm đàn bà. Không biết đấy là hương tự nhiên từ thân thể người phụ nữ kia truyền sang hay mùi nước hoa, chỉ biết rằng người Nguyên ngây ngất đến đờ đẫn. Quả táo Adam nuốt dở trong họng Nguyên lên xuống theo nhịp nuốt nước bọt tràn ứ trong miệng nó. Đúng lúc người  Nguyên chực đổ ụp xuống cái cơ thể rừng rực kia, bỗng nhiên hình ảnh vợ con rất đỗi nhớ thương ùa về cộng với lời nguyền công việc văng vẳng trong tai, nó rùng mình một cái rồi bừng tỉnh. Nguyên giục người phụ nữ khi đó cũng đang thở gấp gáp như muốn lả đi trong vòng tay của nó rằng phải kết thúc ngay việc giao tiền và hàng để nó còn kịp về chuyến tầu điện cuối đêm. 
          Phòng của Nguyên ở kí túc xá bao giờ cũng đầy ắp thuốc. Thuốc ngập tràn các ô tủ, thuốc xếp từng chồng dưới gậm giường, thuốc bò ra cả sàn. Việc Nguyên chọn ở „vùng sâu, vùng xa” chính là để tránh những cặp mắt nhòm ngó, dị nghị của mọi người. Thế mà vẫn có chuyện. Một hôm thằng Afganistan ở phòng kế bên cùng chung toilet với phòng Nguyên bỗng la toáng lên kêu mất cái catset. Thằng bựa đó gọi hết bạn bè của nó lên tầng 3 giúp phong toả các phòng rồi báo bảo vệ đi kiểm tra. Đến phòng Nguyên tụi nó không thể vào được. Nguyên đứng đó với con dao chặt thịt lăm lăm trong tay, mắt vằn lên những tia đỏ. Nguyên thề rằng thằng nào đến gần nó sẽ chém chết. Hàng ngày Nguyên vốn nhỏ nhẹ hiền lành mà lúc này trông nó dữ tợn đến thế. Nguyên biết cái việc lộ đầy hàng cấm trong phòng nó sẽ bị trục xuất về nước, vì thế nó thề phải tử thủ đến cùng. Bà trực nhật toà nhà phải gọi điện báo cho Ban giám hiệu. Sau nửa tiếng một ông hiệu phó xuất hiện bảo Nguyên phải đồng ý cho người vào kiểm tra phòng. Lúc đó có người của trường nên Nguyên không còn cầm dao trong tay nữa. Ông hiệu phó thuyết phục thế nào Nguyên vẫn không đồng ý cho bất kì ai vào khám phòng nó. Nó nhất quyết hết sức củ chuối rằng, muốn khám phòng nó phải có lệnh hoặc phải có người sứ quán. Ông hiệu phó không làm gì được đành viết biên bản kết luận sự việc, Nguyên khăng khăng không chịu kí. Một tuần sau trường lập hội đồng kỷ luật xét cái vụ ăn cắp catset với nghi án số một là Nguyên. Họ viện dẫn lí do nếu không lấy tại sao không cho khám phòng. Đứng trước hội đồng kỷ luật Nguyên bình tĩnh trình bày rằng nước nó nghèo như thế nào, vợ con nó ở Việt Nam bây giờ ăn đói ra sao. Vậy nên nó đi sang đây vừa để học kiến thức, vừa phải mang theo kimono bán lấy tiền đỡ đần gia đình (kimono được phép mua bán). Nguyên nói sở dĩ nó không muốn cho mọi người vào phòng vì nó không muốn ai nhìn thấy những chiếc kimono xếp đầy trong tủ. Nguyên hùng hồn biện minh y như khi Phiden tự bào chữa trước phiên toà Batista với câu nói bất hủ „lịch sử sẽ xoá án cho tôi”. Nguyên nói một hơi không nghỉ đến khi dừng lại, nó nhìn „hội thẩm đoàn” thấy ai nấy mắt cũng đỏ hoe. Thế là trắng án.
          Trong khi Nguyên may mắn được vẫy vùng trong biển lớn nhờ sự nâng đỡ của các soái, thì những người bạn cùng khoá với nó vẫn hàng ngày đàn đúm rượu bia. Chỉ đến dịp weekend họ mới lùng sục vào các xưởng dệt quanh thành phố Lodz vốn là trung tâm công nghiệp dệt may của Ba Lan để tìm mua áo môngtegi và khăn voan. Đợi đến lúc có điện thoại đặt hàng, họ  đóng chặt nắp vali rồi đáp tầu hoả lên Warszawa cung cấp cho các đầu nậu người Việt ở đây. Môngtegi và khăn voan không thuộc diện hàng cấm nên đương nhiên lợi nhuận không thể cao ngất như thuốc.
          Vào nửa đầu năm 1989 có một chiến dịch âm thầm diễn ra rất ngắn nhắm vào hệ thống các cửa hàng Jubiler (trang sức) trên toàn Ba Lan. Cho đến nay có rất ít người biết đến kiểu làm ăn chớp nhoáng mà kín đáo này trong quá khứ. Cách thức săn hàng từa tựa như cách dân Cộng mình mua vàng ở Liên Xô. Mặt hàng đặc biệt này không phải vàng mà là động hồ Liên Xô. Thời đó theo hiệp định kí kết giữa các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế việc xuất nhập khẩu trong khối chủ yếu dựa trên phương thức hàng đổi hàng. Chính cái sự trao đổi mang tính phi thị trường như thế nên hàng hoá trong các cửa hàng được bày bán với giá rẻ như cho. Từ thông tin nghe trộm được của bà vợ một cán bộ sứ quán, Nguyên rủ thêm thằng sinh viên làm cùng cho an toàn. Tranh thủ những ngày nghỉ, hai anh em ngồi tầu đi đến những thành phố hơn 50 nghìn dân được đánh dấu trên bản đồ để mua vét đồng hồ. Ở một vài nơi, thỉnh thoảng nó cũng đụng đầu người Việt Nam quần đảo cửa hàng Jubiler y như nó. Chạm mặt nhau ở những chốn đó mới thấy hiếm khi có sự thân thiện hiện lên trong ánh mắt các con rồng cháu tiên.
          Từ ga Nguyên ngồi taxi chạy thẳng đến những cửa hàng Jubiler có trong thành phố. Nó chẳng ngạc nhiên khi thấy cửa hàng Jubiler nào cũng đầy ắp hàng thủ công mỹ nghệ made in Việt Nam. Nguyên vờ nhặt lên mấy cái giỏ tre, bức sơn mài hay hộp khảm trai, nhưng kì thực mắt nó lại dán chặt vào mấy cái tủ kính bày đồng hồ. Nhìn thấy những chiếc đồng hồ Liên Xô hiệu Polgot, Raketa, Zuravia…mắt Nguyên sáng rực lên. Chiến lược tiếp cận của Nguyên vẫn y như cách thức nó cậy mối thuốc vậy. Nguyên sải những bước chân đầy tự tin vào ngay phòng cửa hàng trưởng. Thô bạo không kém những người đồng hương  mua vàng bên Liên Xô, Nguyên chỉ cho bà cửa hàng trưởng xem những chồng tiền xếp ngay ngắn đầy ăm ắp trong chiếc túi du lich mang theo người. Chờ cho đến khi bà ta hết ngỡ ngàng lấy lại được bình tĩnh, Nguyên vào thẳng ngay vấn đề rằng nó muốn mua hết số đồng hồ có trong cửa hàng với giá cộng thêm 20%. Nhân viên trong cửa hàng nhốn nháo ngược xuôi. Tất cả đồng hồ không kể mác gì miễn là made in CCCP được gỡ ra từ các quầy hàng, tủ kính, thậm chí cả những chiếc chưa được xuất kho. Mỗi lần như thế Nguyên gom được hàng trăm chiếc đủ loại. Nó chia ra một phần bán ngay lấy lãi, một phần gửi mấy ông có hộ chiếu công vụ về nước cho vợ. Công việc kiếm tiền này vừa nhẹ nhàng, vừa kín đáo lại lịch sự nữa nên hai thằng hăng hái ngồi tầu dễ đến nửa năm cho đến khi không thể đào đâu ra đồng hồ Liên Xô trên đất này nữa.
          Sau một năm tần tảo, vừa học tiếng vừa đánh quả Nguyên tích luỹ cho mình một số vốn kha khá. Quan trọng hơn Nguyên đã thiết lập được cho mình nhiều mối quan hệ cần thiết cho công việc kinh doanh. Khi phải lên Warszawa làm bằng, Nguyên truyền lại cho mấy thằng đàn em mới sang học tiếng kiểu làm ăn nhặt nhạnh vừa mất thời gian vừa mất sức. Nguyên bắt tay vào việc triển khai các  kế hoạch làm ăn đầy tham vọng trong tương lai. 
          Từ một trí thức trẻ, một đảng viên đầy nhiệt huyết với bao khát vọng được cống hiến, được phấn đấu cho lí tưởng „cao đẹp” Nguyên bắt đầu dấn thân vào một ngã rẽ mới của cuộc đời như một sự an bài của số phận.
Trần Quốc Quân
Warszawa, 09/02/2011

     Nguyên như một nhân chứng được sống trong thời khắc diễn ra các biến cố làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Nguyên không gọi sự kiện thay đổi chế độ chính trị những năm 1989-1991 là cuộc cách mạng mà Nguyên coi đây như là một cuộc chuyển đổi từ chế độ toàn trị sang chế độ tự do dân chủ đa nguyên, từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Hơn 20 năm đã trôi qua nhân dân tại các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũ đã lựa chọn cho mình cuộc sống mới bằng chính lá phiều dân chủ của họ. Quyền lực phải thuộc về nhân dân. Ý chí và nguyện vọng của nhân dân mới thực sự là sức mạnh vô địch.
Phần 2: Một cuộc chuyển đổi
          Trong lúc nhân dân Ba Lan và bạn bè phải vật lộn trong nỗi cơ cực khốn khó thì Nguyên lại được tận hưởng bữa ăn hàng ngày trong sự sung túc mà trước đấy một năm nó không bao giờ dám nghĩ đến. Ngay từ tháng đầu tiên Nguyên cho luôn mấy thằng em sinh viên tất cả số tem phiếu thịt, cá và nhu yếu phẩm của nó. Nguyên lấy đâu ra thời gian để vừa học, vừa đánh quả lại kiên nhẫn xếp hàng đua với các cụ về hưu. Nguyên chỉ mua các loại thực phẩm ngon nhất ở chợ nông trường giữa trung tâm thành phố Lodz. Bữa trưa đương nhiên Nguyên phải ăn ở kí túc xá trường dạy tiếng. Nhưng trong bữa tối Nguyên tự thưởng cho mình bất kì món gì mà nó muốn cùng với những chai bia. Mục kích sở thị món súp tứ đời chỉ có khoai tây nấu lẫn bắp cải mà bọn sinh viên Bắc Triều Tiên che che đậy đậy nấu trong bếp, Nguyên thấy mình còn may được sống kiếp người. Không muốn tranh nhau xem cái tivi tập thể dưới phòng văn hoá, Nguyên mua lại chiếc tivi Neptun nguyên hộp với giá 50 USD của ông bạn trên Warszawa. Kết thúc năm học tiếng, một thằng nghiên cứu sinh Bắc Triều Tiên phải năn nỉ mãi Nguyên mới bán lại cho nó chính chiếc tivi ấy với giá 70 USD. Lúc đầu Nguyên không hiểu tại sao mấy ông nghiên cứu sinh trường WAT (quân đội) lại có nhiều tivi Neptun đen trắng đến thế. Hồi đó mua được tivi là cả vấn đề vì hiếm khi thấy bày bán trong các cửa hàng mậu dịch. Mãi sau Nguyên mới biết họ mua tivi không phải vì mục đích kiếm lời, bởi lãi không bao nhiêu, mà họ bỏ công móc tivi tận nơi phân phối gốc chỉ với mục đích lấy cái thùng carton để đóng thuốc gửi tầu thuỷ chuyển về Việt Nam.
          Trước khi rời Trung tâm học tiếng, Nguyên vẫn kịp tham gia chiến dịch chuyển tem cốc về Việt Nam. Mặt hàng này ở trong nước lúc đó bị liệt vào dạng văn hoá phẩm đồi truỵ. Những chiếc tem folie in hình cô gái có thể tự dán lên cốc uống bia. Khi rót bia lạnh, hơi nước tụ trên mặt tem làm tuột hết quần áo, lộ ra cơ thể con gái nõn nà. Cả một đường dây hoàn chỉnh được thiết lập. Mỗi vali đóng đầy tem cốc nặng tới trên 50kg. Ở cửa đi sân bay Okecie hễ thấy ai kéo lết vali trên sàn đích thị trong đó chứa tem cốc. Mấy thằng đại diện hàng không làm tiền chuyện quá cân, mỗi vali chúng thu 150 USD. Một lần vợ Nguyên gọi điện thoại sang hỏi „tại sao mấy chục cái tem bị tróc hình, mà toàn tróc chỗ…ấy". Lúc đó Nguyên mới nhớ ra có lần mấy ông nghiên cứu sinh lân la sang phòng nó ngỏ ý muốn được xem thứ hàng lạ lẫm ấy. Nguyên xoa nước lên tem trình diễn. Vừa khi Nguyên chạy xuống phòng thường trực nghe điện thoại, mấy ông bạn mỗi ông một bộ sáu chiếc, tranh thủ…liếm để thưởng ngoạn. Nước không sao chứ nước bọt có dịch tiêu hoá làm nhạt hồ in. Hệ quả của vụ mấy ông bạn lén lút „tự sướng” làm Nguyên thiệt hại đến vài „vé”. 
          Chia tay thành phố Lodz Nguyên lên Warszawa ngay từ khi kết thúc khóa học, trong khi bạn bè của nó vẫn ở lại đến hết hè. Chưa vào năm học mới nên trường đại học Tổng hợp Warszawa không thể làm thủ tục cho nó vào kí túc xá. Nguyên chẳng bận tâm về điều đó bởi nó đang sở hữu số tiền có thể mua được cả căn hộ ở trung tâm Warszawa. Nhưng chẳng dại gì làm cái việc điên rồ đó, để tiền còn làm ăn chứ. Nguyên nghĩ thế nên nó mò vào Akademik trên phố Zamenhofa cũng của trường đại học Tổng hợp thuê lại một phòng. Trường này tranh thủ sinh viên về nhà kì nghỉ hè, cho thuê lại phòng để kiếm thêm thu nhập. 
          Nguyên được bố trí một phòng trên tầng hai của tòa nhà năm tầng. Nó rất ngạc nhiên khi thấy cả tầng toàn người Việt Nam già có, trẻ có, lại cả trẻ con nữa. Y như một ốp lao động bên Nga. Hỏi kĩ Nguyên mới biết đó là gia đình các chuyên gia Việt Nam làm việc tại Châu Phi. Ba Lan khi đó tính ra đô cái gì cũng rẻ, kể cả vé máy bay về Việt Nam. Dân mình vốn nhạy bén nên thông tin cho nhau về miền đất hứa vừa dễ kiếm tiền vừa giá sinh hoạt rẻ. Thế là đám chuyên gia cứ vào dịp hè rủ nhau ùa sang Ba Lan quá cảnh và tranh thủ đánh quả. Lợi cả đôi bề. Nguyên lại gặp may khi vô tình rơi vào hũ ấy. Nó lân la làm quen với từng người, rồi cung cấp các dịch vụ cần thiết cho họ. Nguyên vừa biết tiếng vừa nhiều mối quan hệ nên đương nhiên các ổ dịch vụ khác bị gạt ra rìa. Mấy ông nghiên cứu sinh chuyên „làm thịt” chuyên gia tức vằn mắt lên nhưng đếch làm gì được. Nguyên vừa xuất thân Phố Nhà Binh lại từng trải qua ba năm nghĩa vụ, nó không đánh ai nhưng cóc sợ thằng nào. 
          Số Nguyên thế nào mà ngay từ lúc trở thành đàn ông năm 14 tuổi, nó thường bị bọn con gái cùng lứa xoa đầu vặt mũi vặt tai coi như trẻ con, nhưng không hiểu sao nó lại hay được các chị già thích...Nguyên như lọt vào xóm „không chồng”. Mấy bố chuyên gia chắc đuội, thế nên các bà vợ nhìn Nguyên với ánh mắt lúng liếng như muốn...nuốt tươi nó. Trong số đó có một chị tên Hoa hơn Nguyên chừng bảy, tám tuổi. Chồng Hoa không già nhưng bị cái bụng phệ. Mỗi lần thấy Nguyên đi đâu về là Hoa chạy sang phòng nó mon men hỏi đủ chuyện linh tinh. Có lần Nguyên vừa vào phòng, Hoa bám ngay sau lưng, theo vào chốt cửa phòng lại. Nguyên lúng túng, Hoa nói cần 50 vỉ ampicilin. Nguyên bảo tối sẽ qua tận phòng đưa, nhưng Hoa không chịu về ngay, cứ nấn ná mãi. Vừa ngồi tầu mấy trăm cây số trở về Warszawa nên Nguyên mệt mỏi. Không giữ ý tới sự có mặt của Hoa, nó ngã vật ra giường ngủ vùi. Trong cơn mê hình như Nguyên thấy Hoa dắt tay nó bồng bềnh bay đến chốn thần tiên. 
          Tối Nguyên sang phòng đưa thuốc cho Hoa. Không thấy anh bụng phệ đâu, nó chỉ thấy Hoa đắp tấm chăn mỏng nằm trên giường. Nguyên để thuốc lên bàn định quay gót thì nghe tiếng Hoa gọi „lại đây, đưa mình xem nào”. Nguyên tiến lại đầu giường bất thần Hoa hất tấm chăn mỏng, kéo mạnh tay nó. Trên tấm thân căng tràn sức sống của gái một con không có lấy một mảnh vải dù chỉ bằng bàn tay. Người Nguyên như lên con sốt, vật vã trong cơn thèm khát... Xa vợ hơn một năm, Nguyên thật khó lòng cưỡng lại được sức lôi cuốn trần trụi đầy bản năng của cái cơ thể rừng rực hoang dại kia. Nguyên đã định tặc lưỡi nhảy ùm xuống dòng sông hoan lạc để bơi, bơi mãi đến bến bờ vô định. Đúng lúc đó có mấy tiếng gõ nhè nhẹ lên cửa phòng. Nguyên luống cuống lao nhanh ra phía cửa. Nhưng Hoa vẫn lõa thể lồ lộ đứng giang hai tay ngay trước mặt nó ngăn lại. Nguyên há mồm kinh ngạc bởi thái độ điềm tĩnh đến lạ lùng của Hoa. Trên gương mặt Hoa không hề biểu lộ chút nào sự sợ hãi. Lúc đó Hoa với tay lấy chiếc kimono, khoác lên người rồi nói với ra cửa „chờ chút”. Nguyên hình dung một khuôn mặt đằng đằng sát khí cắm trên cái thân hình đồ sộ, ầm ầm lao vào phòng như một cỗ xe tăng. Nó thủ thế đề phòng một trận chiến ác liệt. Nhưng chẳng hề có chuyện gì xảy ra như nó vừa nghĩ. Anh bụng phệ ló đầu vào phòng đã nhoẻn ngay nụ cười thân thiện với nó, lại gật gật ra chiều hiếu khách. „Anh chồng này chắc chưa bao giờ làm được cái điều khiến vợ sợ hãi” nó nghĩ thế. Nguyên nhớ đến câu nói của người đời „phàm thằng chồng nào không làm chủ được ban đêm cũng không làm chủ nổi ban ngày”. 
          Một ngày nọ, khi Nguyên đang lom khom mở khóa phòng, nó nhìn thấy một thanh niên người Việt Nam khoác vai một cô gái Ba Lan khá xinh xắn đi vào phòng bên cạnh.Trong lúc mải miết dán chặt ánh mắt thèm thuồng lên đôi vòng ba tròn vo đang nẩy tanh tách của cô gái, Nguyên nghe thằng kia liến thoắng tiếng Ba Lan. Chắc hắn là sinh viên. Hơn năm trời chay tịnh, Nguyên cũng khát khao lắm chứ, người chứ có phải gỗ đá đâu. Đêm ấy Nguyên cố tình mở toang cửa sổ để đón nhận những âm thanh đầy khêu gợi từ phòng bên cạnh vọng sang. Chẳng phải chờ lâu, chỉ độ nửa tiếng sau tiếng huỳnh huỵch dội trên sàn, rồi tiếng giường lắc, tiếng rên, tiếng thở gấp gáp... Người Nguyên rạo rực lên xuống theo cường độ âm thanh từ phía ấy. Nguyên nhận biết khoảng nghỉ giữa mỗi hiệp đấu qua sự tĩnh lặng. Chỉ có tiếng bật nút chai, tiếng chạm li, tiếng thì thầm, xen lẫn tiếng cười rinh rích. Sau lần thượng đài thứ hai của mặt trận bên kia, Nguyên bắt đầu cảm thấy chán, mặt mũi nó phờ phạc, hai mắt đỏ ngầu. Nguyên muốn đi ngủ nhưng nào có ngủ được. Trong cơn tức giận Nguyên chồm dậy lao về phía bức tường, hai tay đấm thình thịch. Thinh không chỉ lắng dịu ít phút rồi lại sôi lên sùng sục. Nguyên chạy ra cửa sổ gào lên „tiên sư mấy con ngựa hoang, vừa phi vừa hí thế kia, bố mày ngủ làm sao được…”. Như trêu tức Nguyên, những âm thanh nó vừa ném ra lại dội ngay trở lại nơi nó đứng như chiếc boomerang. Nguyên chong mắt nằm đếm. Gần sáng miệng nó lẩm bẩm „Mẹ kiếp! cái thằng ngực mỏng như gián ấy lấy đâu ra sinh lực mà làm được tới bốn chiếc lận”. 
          Mấy hôm sau Nguyên xách chiếc vali chuyển đến căn hộ trên phố Bagno mà nó vừa thuê được. Không thể gần trung tâm hơn được nữa bởi chỗ này đúng là trung tâm của Warszawa. Chính từ căn nhà này Nguyên bắt đầu bước chân vào vận hội làm ăn mới với qui mô ngày càng lớn. Lúc này Ba Lan như bị hút xuống đến tận cùng đáy vực của vòng xoáy khủng hoảng. Xã hội chia rẽ, đình công xảy ra khắp mọi nơi, tỉ lệ thất nghiệp cao, lạm phát phi mã với tốc đô chóng mặt, cửa hàng trống trơn...Mặc dù có nhiều tiền nhưng trong hoàn cảnh bi đát đó Nguyên cũng cảm thấy hoang mang. Nó không thể biết tình hình này sẽ kéo dài bao lâu và trôi về đâu? Suốt nửa năm trời Nguyên không tìm đâu ra một hạt gạo, một cọng mì. Nó phải tập thích nghi bằng cách làm quen với những món ăn đơn giản nhất làm từ bánh mì và khoai tây. Đến rau cũng trở nên khan hiếm, miệng nó loét vì nhiệt. 
          Thực trạng Ba Lan như đang đẩy hai khối nhiên liệu uranium đến tới hạn của một vụ nổ hạt nhân. Trước sức ép mạnh mẽ của dư luận, của các trào lưu xã hội, chính quyền Cộng hoà Nhân dân Ba Lan dưới sự lãnh đạo của Đảng Công nhân Thống nhất buộc phải chấp nhận "Hội nghị bàn tròn" với Công Đoàn Đoàn Kết và đồng ý tổ chức bầu cử dân chủ vào quốc hội và thượng viện. Ngày 17 tháng 4 năm 1989 tòa án thành phố Warszawa phải cấp lại đăng ký pháp lý cho Công Đoàn Đoàn Kết và chấp nhận cho tổ chức này hoạt động công khai và hợp pháp sau gần bẩy năm bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ngày 04 tháng 6 năm 1989 trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, Công Đoàn Đoàn Kết giành thắng lợi lớn. Công Đoàn Đoàn Kết cùng các lực lượng đối lập là Đảng Nông Dân Thống Nhất và Đảng Dân chủ đứng ra lập chính phủ liên hiệp. Tháng 12 năm 1990 Lech Wałęsa lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết trở thành tổng thống. Chính quyền mới tiến hành chuyển đổi nền kinh tế  từ kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường tự do. Ba Lan bắt đầu ra khỏi khủng hoảng, vượt qua những khó khăn về kinh tế và dần dần trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển cao. Nguyên vô tình được làm nhân chứng sống chứng kiến sự hồi sinh và phát triển đến chóng mặt của xã hội Ba Lan. Từ chỗ các cửa hàng trống trơn không có gì để mua, chỉ sau nửa năm hàng hoá đủ loại tràn ngập mọi nơi. Người dân hân hoan đón chào cuộc sống mới. 
          Sự kiện lực lượng tự do dân chủ Ba Lan lên nắm chính quyền một cách hoà bình làm rung chuyển toàn bộ khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Cuộc chuyển đổi chế độ chính trị như một con sóng lớn lan nhanh qua từng nước, từ Ba Lan sang Tiệp Khắc, đến Hungari, qua Đông Đức tới Bungari, Albani. Nhưng khó khăn nhất, đẫm màu nhất là cuộc nổi dậy của nhân dân Rumani chống độc tài Ceausescu. 5000 người bị tàn sát tại thành phố Timisoara và ngay sau đó là cuộc hành quyết không qua xét xử hai vợ chồng nhà độc tài. Quãng thời gian này Nguyên như được sống trong khí thế hào hùng của chiến dịch Đại thắng Mùa xuân năm 1975. Ngày xưa Nguyên sục sôi dõi theo các mũi tiến công của đoàn quân cách mạng giải phóng từng tỉnh, từng thành  phố cho đến khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thì lạ thay đến lúc này Nguyên lại háo hức đón chào biến cố thay đổi dân chủ diễn ra lần lượt qua từng nước, từng nước Đông Âu. 
          Mới chỉ hơn một năm trước Nguyên còn là một đảng viên thấm đẫm tinh thần quốc tế vô sản, cuồng nhiệt cổ vũ cho sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Nhưng từ khi được chứng kiến thực trạng chính trị, kinh tế, xã hội Ba Lan cũng như một số nước Đông Âu khác, thế giới quan trong con người Nguyên gần như thay đổi hoàn toàn. Nguyên không còn cực đoan khi nhìn nhận thế giới vận động và phát triển trên nền tảng tư tưởng như trước nữa.
Đây thực sự là một bước chuyển biến sâu sắc trong Nguyên về nhận thức, về quan điểm, về tư tưởng. Nguyên sinh ra trong một gia đình „cách mạng kiểu mẫu” có bố hoạt động „Việt minh bí mật” từ thời tiền khởi nghĩa. Cả nhà Nguyên không tính dâu rể có tới chín đảng viên (trong đó có Nguyên) đủ để thành lập một chi bộ mạnh. Ngay từ bé, lí tưởng cộng sản từ những người thân trong gia đình thấm dần vào Nguyên. Cậu bé Nguyên từng rơi nước mắt khi nghe tin Tổng thống Agiende ở Chi Lê hi sinh trong cuộc đảo chính do Pinoche cầm đầu. Chàng trai Nguyên từng coi Phiden Castro, Cheguevara, Nguyễn Văn Trỗi… như những thần tượng của đời mình. Thanh niên Nguyên từng say sưa đọc những tác phẩm gối đầu giường như Ruồi Trâu, Thép đã tôi thế đấy, Bất Khuất…Sinh viên Nguyên từng vùi đầu nghiên cứu Tư Bản Luận của Các Mác, Tuyển Tập Lê Nin, Chủ nghĩa xã hội khoa học…Nguyên từng tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa cộng sản, từng tin tưởng vào thế giới đại đồng mà ở đó „Của cải nhiều như không khí/ Cảnh vật như thần tiên/ Con người như thánh hiền”. Vậy mà những điều Nguyên tận mắt được chứng kiến lại không đúng như thế. 
          Năm 1991 Nguyên lần đầu đặt chân lên đất nước Liên Xô vĩ đại thành trì của chủ nghĩa xã hội, nó nhìn thấy „thành quả” của công cuộc hoàn thành xây dựng „chủ nghĩa xã hội phát triển” đang tiến lên xây dựng „chủ nghĩa cộng sản”. Nguyên đã có dịp đặt chân đến một số nông trang tập thể  với những tên gọi rất kêu như „Con đường sáng”, hay „Con đường tiến lên Chủ nghĩa Cộng sản”... Trên đất nước Ucraina, khi đi qua những nơi từng ghi dấu ấn của Paven Coocsaghin, Nguyên thấy rất nhiều mảnh đời lam lũ hiện lên trên từng gương mặt nhầu nhĩ khắc khổ của những người nông dân. Các căn nhà gỗ xiêu vẹo, leo lét ánh đèn ven đường đập vào mắt Nguyên chẳng khác những gì Ostrovski từng ghi lại trong tác phẩm „Thép đã tôi thế đấy” từ hơn 70 năm trước. Nguyên hoang mang chới với, Nguyên mất niềm tin. Đâu là lối đi định hướng cho cuộc đời một đảng viên cộng sản đầy nhiệt huyết như Nguyên? 
          Tháng Tám mùa thu năm 1991, Nguyên trở về Việt Nam thăm song thân. Cả nhà quây quần mừng đón cậu con trai út lần đầu trở về sau ba năm biền biệt. Bên mâm cơm rất mực đầm ấm mọi người bỗng im lặng lắng nghe bản tin thời sự mới nhận được phát trên ti vi về cuộc đảo chính ngày 19/8 ở Liên Xô loại Gorbachov khỏi mọi quyền lực về mặt đảng cũng như chính quyền. Bản tin vừa dứt, những tiếng phân tích, tranh luận xung quanh biến cố bất ngờ này rộ lên. Bầu không khí trong căn phòng nhà Nguyên mỗi lúc một nóng và ngày càng sôi động. Hai chiến tuyến dần được thiết lập, song cục diện như đã được dự báo trước. Phái Bolshevik ủng hộ phe đảo chính gồm hai vị phụ huynh và tất cả các anh chị ruột cùng dâu rể, phái melshevik ủng hộ Gorbachov và Yeltsin chỉ đơn độc một mình Nguyên. Hai bên khẩu chiến không khoan nhượng. Nguyên dẫu thân cô thế cô vẫn đưa ra những lập luận sắc bén để bảo vệ quan điểm của mình. Xem ra xung đột chính trị là nguyên nhân dễ gây chia rẽ không những  xã hội mà cả mỗi gia đình bé nhỏ. Ba Nguyên không làm sao thuyết phục được cậu con út, tức quá ông chỉ vào mặt Nguyên quát „Mày là đảng viên mà tư tưởng tha hoá đến thế à. Nếu mày vẫn giữ lập trường sai trái như vậy thì làm đơn ra khỏi đảng ngay lập tức. Đảng không cần những người như mày. Cút ngay!”. Đạo làm con, làm em không cho phép Nguyên to tiếng cãi các bậc bề trên đến cùng. Trước nay Nguyên luôn là người con hiếu thảo nhưng lòng Nguyên đã định, không thể thay đổi được nữa. Nguyên ngồi đấy kìm nén sự ấm ức trào lên từng cơn trong cổ. Nguyên nhọc nhằn nuốt từng miếng cơm chan cùng nước mắt. 
          Sau khi quay trở lại Ba Lan Nguyên đã „tự ý” bỏ sinh hoạt đảng. Nguyên „lặng lẽ” rời bỏ đội ngũ „tiên phong” từng một thời được nó coi là lẽ sống suốt đời. Song thật lạ! cho đến tận bây giờ sau mười mấy năm không đóng đảng phí, tên của Nguyên vẫn chưa bị gạch khỏi danh sách đảng viên. Không lẽ đảng vẫn không muốn ly hôn với nó, không lẽ đảng vẫn còn hi vọng vào một cuộc hoà giải. Nhưng Nguyên đã dứt khoát lựa chọn cho mình cách yêu quê hương đất nước như cha ông nó từng yêu từ hàng nghìn năm nay. Vốn là người rất mực chung tình, dù không còn đồng hành trên cùng một con đường, Nguyên không chọn đại bác, không chọn súng lục hay thậm chí chỉ là một viên đá để ném vào quá khứ. Nguyên nguyện suốt đời không bao giờ „đái” vào cái „bình sữa” đã từng một thời nuôi dưỡng nó thành người.


Phần 3: Từ nhãn “Lưu Vong” đến mác “Việt Kiều”
          Kí ức trong Nguyên về Warszawa dưới chính thể cộng sản là một thành phố trống rỗng, xám xịt và không một chút tráng lệ. Warszawa khi đó hầu như không có nhà chọc trời, ngoại trừ một khối kiến trúc nặng nề mang đậm bản sắc Xô Viết là Palac Kultury (Cung văn hóa) tọa lạc ngay tại điểm zero của trung tâm thành phố. Palac Kultury trông như bản sao của toà nhà trường đại học Lomonosov ở Mockva. Toà nhà hoành tráng mà thô thiển này được đưa vào hoạt động năm 1955 cao 230 mét gồm 42 tầng với 3288 phòng. Đây là quà tặng của Stalin cho nhân dân Ba Lan sau chiến tranh như một sự sám hối về tội ác của chính ông ta đã gây ra trong vụ thảm sát Katyn và vụ mượn tay Hít Le dìm cuộc khởi nghĩa Warszawa tháng 7 năm 1944 trong biển máu. Tương phản với khối kiến trúc đồ sộ, kém hiệu quả và nặng về hình thức của Palac Kultury là Dworzec Centralny (Nhà ga trung tâm) với kiến trúc xây dựng đơn giản, hiện đại và đầy tính hữu dụng. Dworzec Centralny đưa vào hoạt động năm 1975 có tám làn đường sắt chạy ngầm dưới đất được xây dựng bằng nguồn tiền vay với lãi suất ưu đãi của chính phủ Mỹ từ thời cố Tổng bí thư Gierek. Hệ thống giao thông công cộng của Warszawa lúc đó chủ yếu dựa trên mạng lưới tầu điện và xe buýt. Dù phương tiện cũ kĩ và không đẹp mắt nhưng rất tiện lợi cho việc đi lại. Tuyến tầu điện ngầm đầu tiên đang xây dựng nhưng do thiếu vốn nên vẫn ngổn ngang. Lưu thông trên đường phố chủ yếu là những loại ô tô do Ba Lan sản xuất như maluch, polonez, fiat 126…rất hiếm khi nhìn thấy xe hơi có xuất xứ từ các nước tư bản phát triển.
          Họa hoằn lắm Nguyên mới nhìn thấy người Việt Nam lẫn trong các cư dân của thành phố. Những nơi người Việt Nam thường lui tới thời đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, vài địa điểm quen thuộc như Nhà ga trung tâm, Chợ trời Skra, Chợ trời Targowa, một số khu kí túc xá trường đại học Tổng hợp, Bách khoa và cuối cùng là Đại sứ quán…
          Bắt đầu từ đầu những năm 1980, du học sinh Việt Nam nhất là nghiên cứu sinh mới chập chững bước vào con đường buôn bán. Họ khởi đầu buôn từ chiếc kimono, áo phin thêu tay đến vòng xương, lắc tay và gửi về Việt Nam từ những chiếc máy khâu singer cũ kĩ đến xấp vải tuytsi len. Khởi nguồn qui mô kinh doanh của họ rất nhỏ bé. Họ phải tiết kiệm từng đồng vốn nên phương tiện di chuyển trong thành phố chủ yếu dựa vào các phương tiện công cộng. Ngồi taxi hồi đó là một sự xa xỉ. Di chuyển xa ngoài Warszawa phương tiện duy nhất là tầu hoả. Đi các tuyến địa phương nội địa họ thường lên từ Ga Trung tâm. Đi các tuyến quốc tế vì phải xếp hàng lên tàu nên họ thường lên từ ga gốc cho chắc ăn. Nếu đi Liên Xô lên từ Ga Tây, nếu đi Đức lên từ Ga Đông. Xuống tàu thì tùy, nhà gần ga nào xuống ga đó. Ngày xưa thời Đế quốc La Mã có câu châm ngôn nổi tiếng „mọi con đường đều dẫn đến Roma”, thời kì kinh doanh còn sơ khai, dân nghiên cứu sinh ở Ba Lan cũng có câu châm ngôn „mọi ngả đường buôn lậu đều dẫn đến sân ga”.
          Năm Nguyên mới sang Ba Lan, Đại sứ quán Việt Nam là một toà nhà ba tầng rất rộng nằm trong khuôn viên khoảng hơn năm nghìn m2 trên phố Kawalerii. Từ cổng Đại sứ quán ra đến cổng công viên Lazienka đẹp nổi tiếng Warszawa chỉ khoảng hai trăm mét. Ít có Đại sứ quán nước nào ở Warszawa nằm trên vị trí đẹp hơn thế. Nơi đó vừa có rừng, vừa có sông, vừa kín đáo, vừa thơ mộng trong một khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh đẹp như một bức tranh. Chỉ  tiếc một điều là toà nhà Đại sứ quán lại được xây đơn điệu, vuông vắn, lát đá màu xám nhạt nên trông buồn tẻ, lạnh lẽo không hợp với nền đẹp như mơ của khung cảnh trữ tình, lãng mạn. Vào những năm khốn khó, cái chốn bồng lai tiên cảnh một phần thiêng liêng của Tổ Quốc ấy có rất ít người Việt Nam „dám” đặt chân đến. Tuỳ vào hoàn cảnh, mỗi người „ngại” sứ quán theo một kiểu. Thời gian đó giữa cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các con dân mà họ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi ít có sự gần gũi, thân thiện. Thật cần thiết người ta mới đủ „can đảm” để mon men đặt chân đến nơi ấy.
          Vào những năm 80 trở về trước, Warszawa có hai cái chợ trời mà người Việt Nam hay đặt chân tới. Một cái là chợ trời Sân vận động Skara chỉ họp mỗi tuần một phiên vào ngày chủ nhật. Cái chợ Skara này hoạt động đúng theo nghĩa chợ trời. Trên là trời (không có mái che) dưới bày đủ các loại đồ cũ. Có lẽ vì nó nằm gần khu kí túc xá của trường đại học Bách khoa trên phố Grojecka và của trường đại học Tổng hợp trên phố Zwirki i Wigury vốn là hai nơi tập trung nhiều du học sinh Việt Nam nên mỗi chủ nhật người Việt Nam thường dạo ra đó để nhìn nhau cho đỡ…nhớ và hi vọng múc được món hàng cũ có thể đánh về Việt Nam kiếm chút lời như máy khâu singer chẳng hạn. Chợ trời Targowa nằm bên kia sông Wisla lại hoạt động cả tuần. Ở chợ này người ta bán các loại hàng mới, hàng giả nhãn mác. Đây chính là đầu mối cung cấp hàng rởm đủ loại cho thị trường „xã hội chủ nghĩa phát triển” Liên Xô. Bây giờ nghĩ lại vừa buồn cười, vừa thương xót cho những người anh em Xô Viết. Các thứ hàng bày  bán ở đây gồm quần bò nhái, đồng hồ điện tử, ví nhựa lồng hình con gái, kính râm thời trang, thắt lưng giả da, đồ mỹ phẩm rẻ tiền...trông y trang đồ chơi trẻ con. Hàng hoá mua ở đây được đóng vào vali hành lý xếp lên tàu hoả liên vận quốc tế để chuyển về phương Đông. Những phi vụ buôn hàng theo người ngồi tàu chỉ như muối bỏ bể, như mưa phùn rải trên vùng đất khát sa mạc có tên gọi „Liên Xô vĩ đại”. Thời bấy giờ hộ chiếu công vụ và hộ chiếu đóng dấu AB của Việt Nam được phép đi lại dễ dàng giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Thế nên vào lúc đó có rất nhiều cán bộ đi công tác nước ngoài, đi chuyên gia ở Châu Phi, nhân viên sứ quán ở Đông Âu và Liên Xô tranh thủ quá cảnh sang Ba Lan để gia nhập „Đội du kích đường sắt” chuyên vận chuyển những thứ hàng nhái, hàng dỏm sang Liên Xô bán kiếm lời.  
          Trước năm 1990, người Việt Nam tại Ba Lan tương đối thuần khiết với số lượng hạn chế. Hầu hết trong số họ đi du học dưới ba dạng là lưu học sinh, nghiên cứu sinh và thực tập sinh. Lứa du học sinh Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Ba Lan vào niên học 1957/1958. Đến niên khoá 1972/1973 số lượng du học sinh Việt Nam tại Ba Lan đạt đến đỉnh cao với hơn 800 người. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc số lượng du học sinh đến Ba Lan giảm dần. Từ những năm thập kỉ 80, theo Hiệp định hỗ trợ đào tạo được kí kết, hàng năm Ba Lan cấp học bổng đào tạo cho khoảng 50 du học sinh Việt Nam, trong đó lưu học sinh 25 người, nghiên cứu sinh 15 người và thực tập sinh 10 người. Cùng trong thời gian đó ngoại trừ ba nước xã hội chủ nghĩa thân Trung Quốc như Rumani, Nam Tư và Albani, hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa khác ở Đông Âu và Liên Xô đều kí Hiệp định hợp tác lao động với Việt Nam. Trong số đó duy chỉ có Ba Lan và Hungari không nhận lao động người Việt Nam. Chính vì vậy người Việt Nam ở Ba Lan ít hơn rất nhiều lần so với các nước xung quanh như Liên Xô, Đức, Tiệp và Bungari. Thời đó người Việt Nam rất hiếm khi có cơ hội nhìn thấy nhau ở những nơi công cộng nhưng bù lại hầu như họ đều quen biết nhau. Ngoài số du học sinh chiếm phần lớn, số rất ít còn lại là những người trong đội học nghề nuôi ong tại Gdynia và đội học nghề bảo tồn di tích cổ tại Lublin. Mãi đến năm 1989, một công ty tư nhân của Ba Lan mới xin được giấy phép tuyển dụng 160 thợ may nữ từ Việt Nam sang làm việc tại Uniejow ngoại vi thành phố Lodz.
          Số lượng người Việt Nam ở Ba Lan đã ít nhưng số người Việt Nam có giấy tờ hợp pháp do nhà nước Ba Lan cấp lại càng hiếm hoi hơn nữa. Chính vì vậy khái niệm Việt Kiều hay Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hầu như chưa được thừa nhận. Cư dân Việt Nam đầu tiên định cư ở Ba Lan từ năm 1956 là một bà tên M trước làm diễn viên Đoàn kịch nói Hải Phòng bạn cùng lứa với nữ nghệ sĩ Lê Mai (mẹ của Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy). Năm 1989 khi bà Lê Mai sang thăm bà M ở Warszawa, Nguyên có dịp được gặp hai bà. Bà M lúc đó đã ngoài 50 nhưng trông vẫn còn sắc nét lắm. Bà M lấy chồng là sĩ quan quân đội Ba Lan trong Uỷ ban quốc tế giám sát Hiệp định Giơ Ne Vơ. Năm 1969 một phụ nữ gốc Huế em họ của Nam Phương Hoàng hậu sống ở Sài Gòn tình cờ gặp một chàng trai là phóng viên người Ba Lan trong một hội nghị quốc tế. Câu chuyện tình yêu rất cảm động của họ do chính cô con gái sau này làm Tổng biên tập tạp chí thời trang hàng đầu thế giới Elle tại Ba Lan kể lại trên tạp chí Elle mà Nguyên vô tình được đọc. Khoảng năm 1974 có một phụ nữ tên Đ lấy chồng là sĩ quan Ba Lan trong Uỷ ban quốc tế giám sát Hiệp định Pari. Còn một số phụ nữ Việt Nam khác như chị K ca sĩ đoàn nghệ thuật tỉnh Nghệ Tĩnh, chị H làm việc tại cửa hàng Intershop Tràng Tiền Hà Nội…cưới rồi theo chồng là những chuyên gia Ba Lan công tác tại Việt Nam về Ba Lan sinh sống.   
          Trước năm 1980, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cũng như ở Liên Xô và các nước Đông Âu khác, du học sinh Việt Nam tại Ba Lan bị cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức đoàn thể quản lí, giám sát hết sức ngặt nghèo. Hộ chiếu của họ ngay khi đến Ba Lan đã bị thu giữ. Họ bị cấm triệt để chuyện yêu đương trai gái, không được tự do ra phố, đi xem phim ảnh và đến vũ trường...Nếu có việc cần thiết bên ngoài khu vực kí túc xá, trường học phải có cán bộ quản lý đi theo, hoặc phải có ít nhất ba người đi cùng để giám sát lẫn nhau. Thời gian đó Ba Lan được tiếng tự do nhất trong các nước xã hội chủ nghĩa, tuy vậy chế độ qui định về việc quản lý du học sinh của nhà nước Việt Nam ở đâu cũng như nhau. Mặc dù phải chịu sự giám sát chặt chẽ như vậy, vẫn có một số du học sinh „vượt rào” trốn ở lại sau khi tốt nghiệp. Số người không về Việt Nam sau khi tốt nghiệp bị nhà nước và dư luận xã hội lúc đó dán cho cái nhãn đầy tủi nhục là „Lưu Vong”.
          Trong khi cuộc sống của những cô con dâu người Việt Nam tương đối ổn định và yên bình, dựa trên đồng lương khá cao của các ông chồng sĩ quan hay chuyên gia thì cuộc sống của những chàng rể người Việt Nam ở Ba Lan lại rất cơ cực. Một mặt họ phải bươn chải làm đủ thứ nghề vất vả thu nhập thấp vừa để tồn tại, vừa nuôi vợ con; một mặt họ phải trốn tránh sự truy nã của sứ quán. Đầu những năm 70, người dân Warszawa lạ lẫm nhìn theo một thanh niên người châu Á nhỏ thó, tóc đen ngồi sau tấm kính chắn gió, lái tầu điện trên những nẻo đường ray của thành phố. Đó là anh V người trong lứa đầu tiên vượt rào lấy vợ Ba Lan. Anh T, anh H, anh Q…hàng ngày chui hầm lò đua sức với những người thợ bản xứ to cao lực lưỡng để cuốc than. Nhiều kĩ sư, cử nhân phải làm việc trên cánh đồng quê vợ như người nông dân thực thụ. Còn rất nhiều những mảnh đời tủi nhục khốn khó khác mà Nguyên được chứng kiến. Một lần Nguyên đang đứng trên sân ga, có một người châu Á mắt xếch tiến lại gần giọng đầy xúc động hỏi: - Thưa, Anh có phải người Việt Nam không ạ? Nguyên nói: - Phải, tôi là người Việt Nam. Lúc đó anh kia xin được cầm tay Nguyên lắc mạnh. Trên đôi gò má khắc khổ của anh, hai hàng lệ ứa ra từ hốc mắt chảy dài. Anh nói trong tiếng nghẹn ngào: - Tôi cũng là người Việt Nam đây, nhưng đã gần hai mươi năm tôi chưa được nghe dù chỉ một câu tiếng Việt. Tôi trốn ở lại lấy vợ Ba Lan, không có một thứ giấy tờ tùy thân do Việt Nam cấp, từ đó tôi sống hoàn toàn cách biệt với những người đồng hương. Tôi ở một vùng hẻo lánh quê vợ  làm nghề đẽo tượng thánh bằng gỗ, bán ở các chợ nhỏ nông thôn. Cơ cực lắm anh ạ!
          Những người Việt nam ở lại lấy vợ Ba Lan thường là sinh viên. Nhiều người trong số họ bước vào cuộc sống hôn nhân từ khi còn rất trẻ. Việc họ phải lấy vợ sớm có nhiều lí do. Trước hết, họ nương tựa vào phía Ba Lan để hợp pháp hoá cho việc ở lại. Sau nữa, họ phải cưới vợ vì lỡ sa chân vào những mối tình chớp nhoáng với các cô gái tóc vàng.
          Nguyên có hai thằng „đệ” sinh viên. Ngày còn ở Việt Nam chúng nó là niềm tự hào không những của dòng tộc mà của cả huyện, cả tỉnh. Hai thằng đều là „dân trường chuyên” có tiếng ở Việt Nam, chúng lần lượt giành các giải thưởng danh giá dễ như cởi truồng „bơi chó” qua cái ao trước cửa sân đình. Chúng tuy học rất giỏi nhưng đều tụt xuống từ lưng trâu. Đặt chân đến Ba Lan đúng vào lúc cơ thể rừng rực sức xuân của một con đực vừa mới hoàn thiện, lại chuyển đổi cơ chế từ „đói góp” sang „no dồn” thế nên chúng nó „đành lòng vậy, cầm lòng vậy” sao được mỗi khi nhìn thấy gái tây. Một lần Nguyên vừa nấu xong bữa tối chưa kịp ăn thì nghe tiếng gõ cửa dồn dập. Mở cửa ngó ra Nguyên thấy hai thằng em đang đứng cùng hai con tây trẻ măng. Nguyên xua tay ra chiều từ chối rồi sập ngay cửa lại. Một thằng đẩy mạnh cửa bước vào phòng, chắp tay lạy Nguyên như tế sao: - Anh ơi! Thương tụi em với, anh mà không cho vào thì tụi em biết „chiến” ở đâu. Nguyên vẫn lắc đầu: - Gái với chả mú, „chiến” ở đây để „đen” hết vía nhà tao à. Nguyên vẫn dứt khoát. Thằng kia nói: - Anh ơi! Em thề với anh rằng chúng nó là học sinh, không phải mấy con „dziwka” đâu. Nguyên vẫn không nhượng bộ: - Sao chúng mày không rước về kí túc xá? Thằng kia nói gần như khóc: - Về đấy rồi nhưng bà thường trực dứt khoát không cho vào. Thấy thằng đệ ruột một thời sinh tử cùng nhau van nài mãi, Nguyên cũng thương, nó tặc lưỡi: - Thôi chúng mày vào đi nhưng không được qua đêm đấy nhé. Chưa kịp ăn uống gì, Nguyên giao nhà lại cho bốn đứa rồi lang thang ra trung tâm mua vé vào rạp xem phim. Chừng nửa đêm nghĩ tụi kia chắc „chiến” đã xong, Nguyên trở về nhà. Lúc đập cửa nó thấy một thằng mặc mỗi cái chíp trên người thò đầu ra nhăn nhở: - Anh đi đâu chừng tiếng nữa quay lại được không? Mẹ kiếp! Tụi nó quần nhau bao nhiêu hiệp rồi không biết nữa. Nguyên phờ phạc vì lang thang mấy tiếng ngoài đường nhưng biết làm gì được, nó lại ra quán rượu gần đó ngồi gà gật thêm mấy ly. Độ tiếng rưỡi sau, Nguyên trở về nhà với thái độ rất dứt khoát, nó mệt quá rồi, không lẽ lại ngủ ngoài Ga với mấy thằng nghiện hút. Nhưng lần này chúng nó không đuổi Nguyên đi nữa, hai con kia cũng biến đâu mất dạng rồi. Nhà Nguyên lúc đó như một bãi chiến trường. Ga đệm nhàu nát, nhầy nhụa, loang lổ. Bát đĩa, xoong nồi, vỏ chai bia lỏng chỏng. Tủ lạnh sạch trơn không còn thứ gì ăn được. Nguyên vừa đói, vừa mệt, vừa buồn ngủ. Nó đổ vật xuống sàn nằm thở. Trong lúc hai thằng „đệ” dọn rửa, Nguyên hỏi: - Hai con kia bắt ở đâu ra. Tụi nó tranh nhau kể: - Có bắt gì đâu anh, hai con đó con nhà lành, mới lớn, thích đú đởn rượu, bia, thuốc lá chứ không cần tiền. Một thằng còn khoe: - Chúng đang là học sinh trung học chưa đầy mười sáu tuổi, anh ạ. Nguyên nghe xong lạnh gáy chửi: - Mẹ chúng mày, ngu thế! Chơi gì thì chơi, không để cửa mà sống, chưa đủ tuổi vị thành niên mà bọn mày dám ru vào đời, có ngày tù mọt gông. Một thằng nhăn nhở: - Chúng nó ru bọn em vào đời thì có, chính hai con nhỏ „bóc tem” bọn em chứ không phải ngược lại đâu nhá. Lâu không gặp lại, chừng hai năm sau Nguyên nghe tin hai thằng „đệ ruột” của „cái đêm hôm  đó, đêm gì?” đã bỏ học để kiếm tiền nuôi con. Thế là hai dòng họ lam lũ ở Việt Nam đã mất đi hai niềm tự hào mà hàng trăm năm nay họ mới loé lên niềm hi vọng được mở mặt với đời.
          Tuy không nhiều nhưng số lượng du học sinh đào thoát ngày càng tăng lên, trong số họ có nhiều người lấy vợ, lấy chồng là người Ba Lan. Bắt đầu từ lứa đầu tiên khoảng năm 1970, hai mươi năm sau đã có hàng trăm du học sinh Việt Nam ở lại Ba Lan định cư. Số người Việt Nam „Lưu Vong” này dần dần nhận được giấy tờ hợp pháp từ phía Ba Lan. Vai trò của họ trong đời sống kinh tế, xã hội Ba Lan và Việt Nam ngày càng được khẳng định.
          Do nhu cầu hợp tác và hỗ trợ trong cuộc sống trở nên cấp thiết, tháng 4 năm 1986 những cựu du học sinh đã liên kết với nhau thành lập Hội Văn hoá và Xã hội người Việt Nam tại Ba Lan. Đây là tổ chức có tư cách pháp nhân đầu tiên của những người Việt Nam mà trước đó ít lâu còn mang tiếng „Lưu Vong”. Sự kiện này đánh dấu một chương mới đầy ý nghĩa đối với những người Việt Nam ở lại Ba Lan hợp pháp, từ đây trên mọi phương diện của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội cái mác Việt Kiều mới chính thức được thừa nhận và đề cao.



Phần 4: Thị trường trung chuyển
          Thời kỳ trước năm 1995 hệ thống kinh tế ngầm của người Việt Nam tại Liên Xô gắn bó chặt chẽ với hệ thống kinh tế ngầm của người Việt Nam tại Ba Lan. Lúc đó topten „Soái” Liên Xô chưa thể so được với topten „Soái” Ba Lan cả về tiếng tăm lẫn mức độ giàu có. Từ năm 1985 đến năm 1994 bất kể người Việt Nam nào ở Liên Xô có mối quan hệ họ hàng hay bạn bè thân thiết với những „người đương thời” ở Ba Lan là có „điều kiện cần” cơ bản để làm ăn qui mô lớn và làm giàu nhanh chóng. Phải nói một cách công bằng, người Việt Nam ở Ba Lan không hề giỏi hơn những người đồng hương của mình ở Liên Xô. Thực ra đã là dân nước Việt, tự nhận con rồng cháu tiên đều chui ra từ cái bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, thế nên tài năng lẫn tính cách của đám con cháu „đồng bào” ấy ở đâu cũng như nhau.
          Không phải ngẫu nhiên Ba Lan bỗng dưng trở thành thị trường trung chuyển hàng hóa cho Liên Xô trong thế giới ngầm của người Việt. Thứ nhất, vị trí của Ba Lan nằm ở Trung Âu trên đường nối thị trường Phương Tây với thị trường Liên Xô. Thứ hai, người Ba Lan rất giỏi buôn bán. Thứ ba, người Ba Lan có mạng lưới buôn bán toàn cầu. Theo số liệu thống kê chính thức, có 21 triệu người Ba Lan sống tại 126 nước trên thế giới so với 38,1 triệu người sống trên chính mảnh đất quê hương của họ. Nếu tính về tỉ lệ, người Ba Lan sống ngoài lãnh thổ của mình chỉ sau người Do Thái. Chính từ những lí do đủ cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa ấy mà người Việt ở Ba Lan suốt một thời gian dài được làm cầu nối trung chuyển cho thị trường „nước lớn” Liên Xô.
          Liên Xô thời đó tuy là cường quốc hàng đầu thế giới nhưng do nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung cao độ, không có tính cạnh tranh nên hàng hóa tiêu dùng đã thiếu thốn trầm trọng lại thấp kém về chất lượng, nghèo nàn về chủng loại, đơn điệu về mẫu mã. Hàng hóa xa xỉ, chất lượng cao tuyệt nhiên vắng bóng trên thị trường. Tuy nhiên nhu cầu về những thứ không được khuyến khích đó trong xã hội Xô Viết vẫn cứ phát sinh, thậm chí không hề ít. Rõ ràng có một nghịch lý trong nền kinh tế chỉ huy phi thị trường: càng cấm càng hiếm, càng hiếm càng đắt và tất nhiên càng đắt lãi suất càng cao. Tóm lại là „đục nước béo cò”.
          Thời bấy giờ không ở đâu trên thế giới này việc kinh doanh buôn bán lại có thể tạo ra lợi nhuận cao như „con đường tơ lụa” Ba Lan – Liên Xô. Rất nhiều mặt hàng, rất nhiều vòng quay đạt tỉ suất lợi nhuận lên tới 100%, thậm chí 200%. Lý luận của Mác nhiều chỗ phải xem lại tính đúng đắn nhưng riêng cái đoạn Mác mô tả ý chí làm giàu của các nhà tư sản thì không sai chút nào. Mác viết „nếu tỉ suất lợi nhuận đạt đến 100% nhà tư sản như sôi lên sùng sục, nếu đạt đến 200% nhà tư sản không có việc gì không dám làm và khi đạt tới 300% nhà tư sản sẵn sàng treo cả cổ mình lên”. Nhận định này của Mác rất đúng với việc kinh doanh của người Việt Nam ở Ba Lan và Liên Xô trong thời kì đó. Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu thử thách, bao nhiêu hiểm nguy vẫn không thể ngăn nổi ý chí kiếm tiền của họ trong thời „tích lũy nguyên thủy” này. Từ đây nhiều doanh nhân người Việt được đặt lên bệ phóng để cất cánh, để thành đạt, để ghi danh tên tuổi trong số những người giầu nhất ở Việt Nam hiện nay, như Phạm Nhật Vượng (Tập đoàn Vincom), Đoàn Quốc Việt (Air Mekong), Nguyễn Cảnh Sơn (Euro Window, Me Linh Plaza), nhiều ông chủ ngân hàng TechcomBank, VIBBank, VPBank, OCBBank, GPBank... 
          Từ năm 1982 du học sinh Việt Nam tại Ba Lan bắt đầu cung cấp cho thị trường Liên Xô một số chủng loại hàng tiêu dùng. Những thứ hàng hoá này chủ yếu được vận chuyển theo con đường „tiểu ngạch” bằng tầu liên vận quốc tế. „Đánh nhỏ” với qui mô vài vali hay vài  thùng carton dưới dạng hành lý theo người có hộ chiếu phổ thông (thẻ xanh). „Đánh lớn” với qui mô hàng chục carton chất đầy cả khoang tàu nằm, coi như hành lý theo khách VIP có hộ chiếu ngoại giao được quyền miễn trừ kiểm soát hải quan (thẻ đỏ). Thời kỳ này những ai thiết lập được mạng lưới vận chuyển hàng hoá bằng hệ thống „thẻ đỏ” người đó có nhiều cơ hội trở thành „Soái”. Danh từ Soái không biết từ đâu ra nhưng ở giai đoạn khốn khó của chủ nghĩa xã hội trước khi sụp đổ có tính hệ thống, Soái là danh hiệu „cao quí” mà dư luận ngưỡng mộ phong tặng cho các doanh nghiệp người Việt Nam ở Đông Âu sở hữu số vốn từ 50 nghìn đô la trở lên. Bây giờ nghe số tiền này nhiều người cười thầm cho là nhỏ nhoi. Nhưng cách đây 25 năm số tiền đó là cả một gia tài lớn không những ở Việt Nam mà còn ở các nước Đông Âu và Liên Xô.
          Trong số những hàng hoá cung cấp cho thị trường Liên Xô, mặt hàng chiến lược gọn nhẹ, giá trị cao, lợi nhuận lớn là đồng hồ điện tử hiện số, nhạc chuông. Đường đi của những chiếc đồng hồ điện tử có giá dưới 1USD/chiếc khởi đầu từ Hồng Kông trung tâm hàng giả lớn nhất thế giới, quá cảnh qua Cộng hoà Áo rồi sang Ba Lan, sang Tiệp, sang Hungari. Thời kì chủ nghĩa xã hội chưa sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô, mọi hành vi buôn bán với qui mô lớn không qua thương nghiệp Nhà nước đều bị coi là buôn lậu. Từ Ba Lan đồng hồ điện tử được các „thẻ đỏ” áp tải sang Liên Xô trên những chuyến tầu liên vận quốc tế. Số lượng lên đến hàng chục nghìn chiếc mỗi chuyến.
          VIP „thẻ đỏ” vừa hiếm vừa chi phí cao nên chỉ được tận dụng để áp tải hàng độc như đồng hồ điện tử, vàng, đô la... Còn „thẻ xanh” giấu số lượng nhỏ trong hành lý mang theo người đủ loại từ hàng độc đến quần bò, kính, ví, thắt lưng, đồ mỹ phẩm… Hàng hoá từ Ba Lan chuyển sang Mockva lúc đó thường được đổ tại Dom 5 trên phố Dimitria Ulianova. Đây là toà nhà kí túc xá của nghiên cứu sinh và thực tập sinh nước ngoài thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Địa điểm thứ hai hay được nhắc đến sau Dom 5 là Thương vụ Việt Nam tại Liên Xô. Đó là toà nhà cao tầng nằm kín đáo trong một khu dân cư cách ga metro Belaruskaya chưa đến một kilomet.
          Qui mô, chủng loại và tần suất những chuyến hàng đổ từ Ba Lan sang Liên Xô cứ tăng dần theo năm tháng, tăng dần theo tốc độ suy thoái của nền kinh tế Liên Xô. Lúc đầu là vài vali, vài thùng carton, tiếp đến là cả khoang nằm tầu hỏa, sau nữa là xe tải nhỏ và cuối cùng là xe tir, xe container. Thưở ban đầu chỉ có Dom 5, nhà Thương Vụ sau đó từ năm 1992 trở đi mọc thêm các Dom 5 (mới), Dôm 11, ob Thủy lợi, ob Saliut 1,2,3...
          Liên Xô thời kì trước khi tan rã chịu ảnh hưởng nặng nề của lệnh cấm vận công nghệ cao từ các nước Phương Tây. Lúc đó tuy công nghiệp vũ khí và hàng không vũ trụ của Liên Xô chiếm thế thượng phong do được ưu tiên đầu tư, nhưng công nghệ thông tin lại vô cùng lạc hậu. Thời bấy giờ hệ máy tính hiện đại nhất của Liên Xô là cỗ máy tính Minsk 32 cồng kềnh như một nhà máy, tốc độ tính toán thấp. Hệ máy tính này sử dụng thiết bị nhập dữ liệu dựa vào máy đục lỗ trên bìa vừa dễ nhầm lẫn, vừa khó khắc phục lỗi lại vừa tốn nhân công. Đầu những năm 80 sự xuất hiện máy tính cá nhân sử dụng hệ điều hành MS-DOS sau đó là Windows của Microsof khiến cả thế giới lên cơn sốt. Giống như các nước công nghiệp phát triển khác, nhu cầu máy tính cá nhân ở Liên Xô rất lớn nhưng không thể nhập khẩu chính ngạch vì lệnh cấm vận. Nắm bắt nhu cầu thị trường hết sức nhạy bén, các nghiên cứu sinh Việt Nam tại Ba Lan đã triển khai một chiến dịch cung cấp cho Liên Xô những chiếc máy tính cá nhân hệ 286, 386 được lắp ráp tại Ba Lan bằng linh kiện nhập khẩu từ Đài Loan, Nam Triều Tiên, Singapore…
          Mỗi chiếc máy tính cá nhân mua tại Ba Lan lúc đó với giá chừng 3000 USD mang sang Liên Xô bán được 5000 USD rồi qui đổi thành vàng để chuyển trở lại Ba Lan. Một chu kì máy tính – vàng – máy tính kéo dài khoảng 2 tuần đem lại lợi nhuận hơn 100% cho người bỏ vốn. Vòng xoáy đầy ma lực này đã lôi cuốn nhiều du học sinh Việt Nam từ cả hai đầu Ba Lan và Liên Xô, khiến cho họ sao nhãng việc học hành để dấn thân vào con đường buôn bán chuyên nghiệp. Máy tính vận chuyển theo lộ trình từ Tây sang Đông lúc đó dựa trên phương tiện duy nhất là tầu hoả. Mỗi „thẻ xanh” áp tải hai bộ máy tính hoàn chỉnh, mỗi „thẻ đỏ” áp tải 16 bộ. Nguồn cung cấp máy tính lúc bấy giờ lấy từ một số doanh nghiệp lắp ráp mới thành lập của người Ba Lan. Lúc đó ở Warszawa có hai thương hiệu máy tính quen thuộc với người Việt, một là Hector nằm trên phố Gwiadzista, hai là Complex nằm trên phố Polaczynska. Trong khi hầu hết mọi người xếp hàng để giành giật nhau từng cái máy tính hiệu Hector thì tay Q bạn Nguyên chỉ từ một mẩu thông tin quảng cáo trên báo lại ung dung độc chiếm máy tính hiệu Complex. Thời gian đầu lúc chưa tham gia vào đường dây „đánh” máy tính sang Liên Xô, Q cưa đứt đục suốt chuyên làm dịch vụ cung cấp máy tính cho nhiều „Soái” và đội quân „du kích đường sắt”. Mỗi máy tính chuyển thẳng từ xưởng lắp ráp đến Ga Tây, xếp lên tàu liên vận quốc tế đi Mockva, Q đút túi 150 USD. Thời gian sau Q nhanh nhạy huy động thêm tiền vốn từ mấy anh cán bộ thương vụ thân quen để „đánh” sang Liên Xô mỗi chuyến cả chục chiếc máy tính.
          Rất tình cờ một lần đến nhà Q, Nguyên loá mắt nhìn đống nhẫn, hoa tai, dây chuyền, lắc tay bằng vàng 0,583 đổ đầy có ngọn trên chiếc bàn ăn. Nguyên ngỡ mình như đang trong cơn mơ hóa thân thành chàng Ali Baba lạc chân vào động vàng của bốn mươi tên cướp. Sau bữa đó Q rủ Nguyên ban ngày cùng nó đi lấy máy tính, xếp lên tầu; ban đêm về nhà, hai thằng cần mẫn ngồi cậy từng cái mặt đá quí, dồn thành vốc cho vào toilet giật nước. Đến bây giờ nghĩ lại Nguyên vẫn còn thẫn thờ tiếc, tại sao ngày đó nó không giữ lại những viên đá saphia, rubi rất quí đó. Vàng trang sức tinh xảo với những mặt đá long lanh đủ sắc màu bỗng dưng bị đập bẹp, biến thành những miếng vàng móp méo để bán theo gram cho các nhà „tài phiệt” Do Thái. Trong các loại vàng mà bạn hàng của Nguyên chuyển từ Liên Xô sang, Nguyên khoái nhất được nhận Huân chương Lê Nin. Đó là cả khối vàng nguyên chất được thị trường lúc đó định giá 380 USD/chiếc. Khi đã trở thành „con buôn”, Nguyên dần xa lánh chính trị nên đối với nó Huân chương Lê Nin chẳng có chút nào ý nghĩa về giá trị tinh thần (ở mặt phải) mà chỉ ánh lên trong mắt nó thứ màu vàng tinh khiết mang đầy giá trị vật chất (ở mặt trái). Có lần Nguyên tự đắc nói với Q: - Ở Việt Nam hình như chỉ có ba lãnh tụ sáng giá được tặng phần thưởng cao quí nhất này của nhà nước Liên Xô là Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp vậy mà tôi với ông chẳng ai biết đến lại được tặng thưởng tới hơn 50 lần.  
          Máy tính từ Ba Lan chuyển sang được mang công khai, song việc vận chuyển vàng vốn là hàng quốc cấm theo chiều ngược lại từ Liên Xô lại hết sức khó khăn. Các VIP „thẻ đỏ” được huy động vào công việc đầy nguy hiểm này với số lượng vận chuyển lên đến hàng chục kilogram vàng mỗi chuyến. Một số „thẻ xanh” liều lĩnh cất dấu dưới muôn hình vạn dạng khác nhau nhưng mỗi lần khó vượt quá hai kilogram. Cuối năm 1989 một VIP „thẻ đỏ” người Việt từ Albani vận chuyển vali bên trong chứa 30 kg vàng không may bị phát hiện tại cửa khẩu Brest. Sau vụ này hải quan Liên Xô tăng cường kiểm soát gắt gao việc chuyển lậu vàng sang Ba Lan. Trong khi máy tính vẫn được chuyển đều đặn từ Ba Lan sang Liên Xô nhưng chiều thanh toán ngược lại bằng vàng bị gián đoạn một thời gian. Nguyên ngao ngán vì vàng ùn tắc, vốn cụt, vòng quay ngưng trệ…
          Hàng ngày Nguyên thấp thỏm như ngồi trên đống lửa vì toàn bộ thành quả lao động của nó từ ngày sang Ba Lan đã biến thành vàng nằm trong tay đầu dây phía bên kia. Nguyên bàn với Q phải tự mình xuất chinh một chuyến sang Mockva nghiên cứu cách giải toả vàng. Nguyên bay sang bằng máy bay nhưng lại quay về bằng tầu hoả. Đây là một sai lầm khiến Nguyên suýt nữa phải trả giá đắt. Biết rằng việc chuyển vàng về Ba Lan hết sức nguy hiểm nhưng Nguyên vẫn muốn đi để tự mình tìm ra kẽ hở của hải quan Liên Xô. Tại Mockva Nguyên mua một chiếc xe đạp trẻ con và một lò sưởi điện, nó mở ra nhét đầy vàng vào bên trong rồi lắp lại như cũ. Q lại khác, nó mua hai cục giăm bông to, lấy ống tuýp cắm vào rút lõi thịt bên trong ra, nhét đầy vàng vào và đóng vỏ bọc ngoài như cũ rồi cho vào nồi luộc lại.
          Hai thằng mua vé ngồi hai toa tầu khác nhau. Khi đến cửa khẩu Brest sát biên giới Ba Lan một thằng hải quan Liên Xô kiểm tra vé và hộ chiếu của Nguyên, nó thắc mắc tại sao Nguyên sang bằng máy bay lại về bằng tầu hoả, rõ ràng có điều gì bất thường. Thằng ma mọi này kiểm tra Nguyên rất kĩ càng, nó lật giường, mở đinh vít thành toa tầu, nắn người, lột giầy, lộn bí tất…rồi cuối cùng nó nhìn xoáy vào cái xe đạp và cái lò sưởi của Nguyên với ánh mắt ngờ vực. Nguyên chột dạ nhưng cố giữ nét mặt bình thản. Thằng hải quan không chịu buông tha, nó bảo Nguyên bê cái lò sưởi còn nó vác cái xe đạp xuống tầu đến trạm hải quan đưa vào máy soi. „Cha mẹ ơi! Thế này thì chết con rồi, chuyến này chắc phải ngồi bóc lịch vài năm”. Nguyên vừa lẽo đẽo theo sau thằng kia vừa lẩm bẩm. Lúc Nguyên nhìn thấy cái máy soi hải quan thì một tay ra dáng sếp của phiên trực hất hàm hỏi thằng nhân viên: - Có chuyện gì đấy? Thằng hải quan trả lời: - Tao nghi thằng Việt Nam nó dấu vàng hay đô la trong hai cái vật bằng sắt này nên muốn kiểm tra trên máy soi. Nguyên nghĩ mười phần chắc chết đến chín. Nhưng lạy giời, đúng lúc đó y như có thánh nhân giơ bàn tay ra đỡ khiến nó không bị rơi xuống vực thẳm. Thằng sếp phẩy tay: - Thôi khỏi, tao vừa tắt máy rồi, bây giờ khởi động lại lâu lắm, chậm tàu của nó. Thằng nhân viên nghe vậy có vẻ hậm hực nhưng không dám cãi, nó lại cum cúp vác cái xe đạp cùng Nguyên quay trở lại tầu. Thế là thoát!
          Về đến Ga Trung tâm Warszawa Nguyên hỏi Q có bị hải quan Liên Xô „trần” không, Q bảo: - Thằng hải quan bên tao cũng rất tích cực tìm kiếm, nhưng khi sờ đến túi đựng hai cục giăm bông để lẫn với cọng tỏi muối, nó bịt mũi không chịu nổi mùi hôi nên phẩy tay chạy mất. Sau chuyến khảo sát đường tầu hút chết, Nguyên bàn với Q: - Mình dù thoát nhưng là do may mắn, xác suất „chết” cực cao nên không thể bị động trông chờ may rủi. Thôi tôi với ông cứ kiên nhẫn chờ đợi, khi nào  khai thông chắc chắn rồi mới làm tiếp được. Tắc vẫn hoàn tắc.
          Gần một tháng chờ đợi trong nỗi tuyệt vọng, bỗng một hôm Nguyên nhận được điện thoại của thằng bạn bán máy tính đầu bên Liên Xô thông báo đã có cửa sáng - vàng có thể chuyển được về…Việt Nam. Nguyên và Q chụm đầu bàn bạc, trong lúc cửa sang Ba Lan vẫn đang bị khép chặt thì cửa về Việt Nam có thể tạo bất ngờ lớn. Thêm nữa vào thời điểm đó lạm phát đang hoành hành dữ dội tại Việt Nam nên vàng vừa dễ bán lại được giá. Nguyên và Q đồng ý với thằng bạn đầu Liên Xô chuyển toàn bộ số vàng đang bị kẹt tại Mockva về Hà Nội do VIP thực hiện qua đường hàng không. Thật bất ngờ số vàng sau khi bán tại Việt Nam được qui đổi thành tiền, sau đó biến thành áo kimono, khăn kim tuyến, áo soa thêu, áo gió…rồi   „đánh” ngược sang Ba Lan theo đường cargo hàng không đã giúp Nguyên vừa thoát vốn vừa đạt lợi nhuận cao. Sau sự kiện này Nguyên quyết định kết thúc chiến dịch „đánh” máy tính sang Liên Xô để chuyển hướng làm ăn với thị trường may mặc Việt Nam. Chiến trường buôn máy tính, máy fax từ Ba Lan sang Liên Xô mặc dù không còn bóng dáng Nguyên nữa nhưng vẫn còn được kéo dài đến tận cuối năm 1991.
          Từ đây trong mỗi chuyến về thăm Việt Nam với bao lời hứa hẹn có cánh về những dự án đầu tư tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, Nguyên bỗng dưng lột xác để trở thành „Việt Kiều yêu nước”. Nguyên được đón tiếp nồng nhiệt, Nguyên được trọng vọng mỗi khi đặt chân đến các nhà máy quốc doanh, các công ty xuất nhập khẩu nhà nước, thậm chí trụ sở Ủy ban nhân dân các địa phương, các Bộ, các ngành...Mới có hai năm từ một công chức nghèo không mua nổi một chiếc xe máy để đi làm bây giờ Nguyên đã vinh dự được „đóng vai” một ông chủ „Việt Kiều” xe đưa, xe đón. Oách thật! Nguyên không bao giờ có thể nghĩ được rằng, chính sự khốn khó của chủ nghĩa xã hội thế giới lại là viên gạch lót đường đưa đời nó lên hương.




Phần 5: Bức tường Berlin sụp đổ. Từ chuyển đổi chính trị đến chuyển đổi kinh tế

          Lý luận Mác – Lê Nin luôn đề cao „mâu thuẫn là động lực của phát triển”. Nhưng nói vậy mà không phải vậy. Trong thực tiễn, về chính trị, chủ nghĩa xã hội tồn tại dựa trên hệ thống chuyên chính vô sản triệt tiêu đấu tranh giai cấp; về kinh tế, trong một thời gian dài chủ nghĩa xã hội không thừa nhận tự do cạnh tranh.
          Thời gian đầu mô hình xã hội toàn trị và nền kinh tế chỉ huy ở một mức độ nào đó đã phát huy được tác dụng trong việc huy động mọi nguồn lực của đất nước, nhất là trong thời kì chiến tranh. Một khi lực lượng sản xuất còn ở trình độ thấp, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế về số lượng của chủ nghĩa xã hội đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người. Vào thập niên những năm 50,60 và 70 của thế kỉ trước, chủ nghĩa xã hội thế giới thể hiện được phần nào tính ưu việt của thời đại để tạo nên trào lưu mang tên „dòng thác cách mạng”. Nhưng từ khi bước vào thập kỷ những năm 80 chủ nghĩa xã hội thế giới bắt đầu bộc lộ bản chất yếu kém về chất lượng và hiệu quả. Cuộc đua tranh „ai thắng ai” giữa hai con đường, giữa hai phe ngày càng bất lợi cho chủ nghĩa xã hội. Các nước xã hội chủ nghĩa bị lún sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội. Liên Xô và các nước Đông Âu buộc phải tiến hành công cuộc cải tổ, nhưng vẫn không thể ngăn được đà phá sản có tính hệ thống, những nước này bị đẩy dần đến bờ vực sụp đổ.
          Năm 1980 sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan như một đốm lửa nhỏ lan nhanh thành đám cháy rừng lớn. Phong trào đấu tranh vì tự do dân chủ do Công đoàn Đoàn kết lãnh đạo buộc hai Tổng bí thư Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan là Gierek và Kania phải từ chức. Đại tướng Jaruzienski Bộ trưởng Quốc phòng lên làm Tổng bí thư vào tháng 10 năm 1981. Ngay sau đó Jaruzielski thay mặt ban lãnh đạo mới ban bố tình trạng chiến tranh và thực hiện thiết quân luật (từ 13/12/1981 đến 22/07/1983). Tuy nhiên căn bệnh trầm kha mang tính hệ thống không có phương thuốc hiệu nghiệm nào có thể cứu chữa được nữa. Ba Lan cùng các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu  và Liên Xô ngoi ngóp, vô vọng trong cơn lũ khủng hoảng kéo dài.
          Chính sách không can thiệp của Gorbachev tạo điều kiện thuận lợi cho các phe phái Ba Lan ngồi đàm phán với nhau trong „Hội nghị bàn tròn” (từ ngày 06/02 đến ngày 05/04 năm 1989). Ngày 04/06/1989 trong cuộc bầu cử dân chủ lần đầu tiên, Công Đoàn Đoàn Kết thắng lớn, chế độ xã hội chủ nghĩa bị xóa bỏ hoàn toàn ở Ba Lan. Sự kiện chính trị này đã tạo nên cơn địa chấn rung chuyển toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Đêm thứ năm 09/11/1989 Bức tường Berlin biểu tượng của Chiến tranh Lạnh và ranh giới chia cắt nước Đức đã bị sụp đổ. Trước đó không một ai dù lạc quan nhất có thể nhìn ra viễn cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh ở Đông Âu và Liên Xô lại có thể bị xóa sổ trong hòa bình nhanh đến như vậy.
          Sau 74 năm thực nghiệm mô hình xã hội chủ nghĩa không thành công, với việc xóa bỏ Nhà nước chuyên chính vô sản thiết lập Nhà nước dân chủ tư sản, các nước Đông Âu và Liên Xô  đã bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển theo đúng qui luật, theo đúng tiến trình của lịch sử. Các chính quyền mới đã tiến hành cuộc chuyển đổi chính trị từ chế độ toàn trị độc đảng sang chế độ dân chủ đa nguyên. Từ đây người dân ở những nước này thực sự được làm chủ, được cởi trói hoàn toàn để phát huy đến tận cùng năng lực sáng tạo.
          Đi đôi với việc thay đổi về thượng tầng kiến trúc là thay đổi về hạ tầng cơ sở. Những nước hậu cộng sản đã tiến hành một cuộc chuyển đổi sâu rộng từ nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường tự do, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, dần trở thành những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển cao.
          Khi mới đặt chân sang Ba Lan, Nguyên không có chút thiện cảm với Công đoàn Đoàn kết,  với tất cả những ai ủng hộ phong trào này. Nhưng ngay sau khi chế độ mới được thiết lập ở Ba Lan, Nguyên ngỡ ngàng nhận thấy cuộc sống chuyển biến quá nhanh và ngày càng trở nên tốt đẹp. Người dân hồ hởi đón nhận sự thay đổi tận gốc rễ về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội. Hình ảnh đầy thuyết phục đập vào mắt Nguyên hàng ngày đó là các cửa hàng trước đấy ít lâu vẫn còn trống rỗng thì nay đã đầy ắp hàng hóa. Chợ cóc mọc ra khắp nơi, ngay cả địa danh tôn nghiêm là quảng trường Cung văn hoá Warszawa cũng biến thành chợ. Hàng trăm quầy hàng, hàng nghìn kiốt được dựng lên. Kinh tế thị trường có khác, nó được vận hành nhuần nhuyễn, rất tự nhiên dựa trên quan hệ cung - cầu, quan hệ tiền - hàng. Những thứ hàng hoá thiết yếu cho cuộc sống thường ngày, nửa năm trước đó dù có nhiều tiền, Nguyên nằm mơ cũng không thể mua được thì giờ đây đã tràn ngập thị trường.
          Nguyên nhanh chóng bị cuốn vào trào lưu biến đổi của xã hội. Cỗ máy trong con người Nguyên vận hành dù chậm nhưng chuyển động theo xu hướng chung của thời đại từ quan điểm, nhận thức đến hành động. Thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết Nguyên tâm nguyện suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, vậy mà đến lúc đó nó dần quay sang ngưỡng mộ những người đã góp phần kết thúc Chiến tranh Lạnh không cần dùng đến bom đạn, không cần dùng đến vũ khí hạt nhân, những nhân vật đã góp phần tích cực xoay chuyển cục diện chính trị châu Âu và thế giới như Gorbachev, Yeltsin, Walesa…
          Cơ hội vàng để làm giàu trong buổi giao thời của nền kinh tế chuyển đổi  khiến Nguyên như sôi lên, quay cuồng trong vòng xoáy kiếm tiền. Nguyên không còn yên lòng theo đuổi những buổi semina trên giảng đường hay vùi đầu vào đống sách tham khảo dày như những viên gạch trong thư viện. Lúc đó quyết định làm tiếp hay không tấm bằng tiến sỹ kinh tế là lựa chọn khó khăn của Nguyên. Tuy đã vượt qua được một nửa số môn thi bắt buộc và giáo sư hướng dẫn đã thông qua nội dung cơ bản của luận án, nhưng thời gian còn lại dành cho khoa học thì Nguyên khó có thể thu xếp được. Việc bỏ bằng tiến sĩ với Nguyên không phải chịu nhiều áp lực bởi „danh gia, vọng tộc”. Ông nội Nguyên có 15 cháu đã có 13 bác sĩ, cử nhân và kĩ sư, trong đó có 1 tiến sĩ. Thêm một thằng tiến sĩ hay không với họ nhà nó không còn quan trọng nữa. Tấm bằng tiến sĩ chỉ là phương tiện lót đường giúp Nguyên tiến thân, thế mà nó lại  quyết định không về nước để theo đuổi sự nghiệp nữa. Danh vị tiến sĩ với Nguyên lúc đó có chăng chỉ còn dùng để in vào card visit. Điều đó thật phù phiếm! Nó nghĩ thế. Sau một đêm trăn trở, Nguyên quyết định lên khoa xin không làm tiếp bằng nữa vì lí do „gia đình”. Cho đến bây giờ trong Nguyên chưa bao giờ gợn lên nỗi hối tiếc dù chỉ thoáng qua vì nó đã lựa chọn „lối rẽ ngang cho cuộc đời”.
          Đồng hành với sự thay đổi sâu sắc về thể chế chính trị là sự thay đổi toàn diện về kinh tế. Nền kinh tế được cởi trói khỏi những nút thắt để tự thân vận động theo qui luật thị trường. Sự thông thương tự do như hiệu ứng „nước thẩm thấu sang chỗ khô”. Ở đâu có dấu hiệu khan hàng, chỉ ít ngày sau hàng hóa tự được lấp đầy. Không những trong thị trường nội địa mà cả trên thị trường liên thông quốc tế.
          Khoảng thời gian sau khi Bức tường Berlin sụp đổ cho đến trước khi thống nhất nước Đức,   nhiều người Việt Nam ở  Đông Đức ra sức tận dụng cơ hội tích luỹ đồng mác Đông Đức với hứa hẹn nó sẽ được chuyển đổi sang đồng mác Tây Đức với tỉ giá 1/1. Lúc bấy giờ bạn bè của Nguyên đã tranh thủ „tập kích” ồ ạt những chuyến hàng từ Ba Lan sang Đông Đức. Phương thức vận chuyển không khác gì „đánh” hàng sang Liên Xô. Các „thẻ đỏ” lại được tận dụng để tung vào chiến trường mới phía Tây. Cán bộ có hộ chiếu ngoại giao đi lại như mắc cửi trên những chuyến tầu hỏa để áp tải những thùng hàng chất đầy ắp trong các khoang nằm.
          Hàng  đưa sang Đông Đức gồm đủ các loại từ đồ may mặc rẻ tiền nhập từ Thái Lan như áo chấm, áo ren, quần bò, váy bò...đến băng catset hiệu TDK của Nhật. Nhưng rủi ro cao nhất và đương nhiên sinh lời nhiều nhất phải nói đến thuốc lá không dán tem thuế mang hiệu Golden America, Marlboro...Ba Lan trở thành căn cứ địa cung cấp nguồn hàng cho hệ thống bán dạo thuốc lá lậu, ban đầu trên các nẻo đường Đông Đức, sau đó là nước Đức thống nhất. Thuốc lá lậu từ Ba Lan là mặt hàng đẩy các băng đảng người Việt ở Đức vào cuộc chiến thanh toán đẫm máu nhằm tranh cướp nguồn cung cấp và lãnh địa tiêu thụ.
          Sau khi nước Đức thống nhất, cảnh sát và hải quan Đức cực kì vất vả trong việc kiểm soát buôn bán thuốc lá lậu. Họ phải huy động đội quân hùng hậu, trang bị hiện đại trải trên một không gian rộng lớn. Có những màn máy bay trực thăng cảnh sát truy đuổi xe vận chuyển thuốc lá lậu li kì y như trong phim hành động Hollywood. Có lần một nguồn tin mật báo tại khu rừng N. một xe tir đang giải toả thuốc lá cho hàng chục xe con. Kế hoạch triệt phá của cảnh sát Đức được thiết lập nhanh chóng. Trên trời máy bay trực thăng quần đảo, dưới đất hàng trăm lính đặc nhiệm được vũ trang tận răng tiến vào khu vực mafia Việt Nam đang tẩu tán thuốc lá lậu. Không một ai trốn  thoát cùng phương tiện vận chuyển với hàng trăm nghìn bao thuốc lá. Lợi nhuận từ buôn lậu thuốc lá khiến người tham gia phát điên. Cứ hai xe tir đưa từ Ba Lan sang có một xe bị bắt là về hoà, ba xe có một xe không thoát là thắng lớn. Không ai còn biết sợ để tính đến rủi ro nữa.
          Tiệp Khắc lúc chưa chia thành hai nước cũng chịu nạn khan hiếm hàng tiêu dùng và thực phẩm giống như các nước có nền kinh tế chuyển đổi  khác. Ngay sau đó thị trường tự do tại nước này nhanh chóng được điều tiết bởi quan hệ cung cầu. Giữa năm 1990 Nguyên cùng anh bạn nghiên cứu sinh tên Đ. sử dụng VIP „thẻ đỏ” chuyển nhiều chuyến quần áo bò trẻ con made in Thai Lan sang Praha. Trong một lần ngồi tàu sang thu gom tiền, Nguyên tranh thủ mang theo người bốn kiện quần áo bò trẻ con. Khi tầu đến ga Ostrava bên kia biên giới Ba Lan, số hàng Nguyên đem theo bị hải quan kiểm tra. Do không có giấy tờ xuất xứ, Nguyên đã phẩy tay để lại toàn bộ số hàng trị giá hơn nghìn đô la mà không chịu kí vào biên bản thu giữ hàng. Do thị trường Tiệp Khắc và Ba Lan có nhiều điểm tương đồng nên các chiến dịch trao đổi hàng hoá giữa hai bên thường diễn ra trong thời gian ngắn với giá trị không lớn.
          Việc khai thác nguồn hàng và tổ chức hệ thống „thẻ đỏ” áp tải hàng hoá không đơn giản nên các Soái thành công nhất trong việc „đánh” hàng thời kì này thường là người có mối quan hệ xã hội sâu rộng và có tiềm lực vốn. Trước năm 1991 đứng đầu hai đường dây „đánh” hàng qui mô nhất và hiệu quả nhất ở Ba Lan là hai tiến sĩ khoa học (bậc 2), họ không cùng tên nhưng trùng chữ cái V. Sang hướng Đông (Liên Xô) là Soái, tiến sĩ khoa học Đ.H.V và sang hướng Tây (Đông Đức) là Soái, tiến sĩ khoa học C.L.V. Anh Đ.H.V. sau này về nước đảm nhiệm cương vị lãnh đạo cao cấp tại một Bộ. Anh thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam, anh còn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới. Anh C.L.V. học giỏi có tiếng ở Ba Lan, cho đến bây giờ anh vẫn theo đuổi con đường khoa học, anh là giáo sư giảng dạy tại một trường đại học Tổng hợp của Ba Lan. Năm 1990 anh C.L.V. đã tổ chức một chuyến chuyên cơ đưa lao động Việt Nam tại Đức về nước. Có lần Nguyên hỏi lí do vì sao sau đấy không có những chuyến chuyên cơ tiếp theo, anh C.L.V. cười buồn: - Nguyên nhân là do phía đơn vị quản lý sân bay Nội Bài gây khó dễ. Thậm chí lúc máy bay hạ cánh, họ không bố trí xe hoa tiêu dẫn đường máy bay vào nơi đỗ. Mình phải lót tay để một nhân viên hoa tiêu ngồi sau xe cúp 81 làm hiệu dẫn đường trước mũi máy bay bằng…đèn pin. Hoang dã hết biết! Không khác gì xứ rừng rậm Amazon.
          VIP „thẻ đỏ” hơn 20 năm trước dập dìu qua lại Ba Lan, trước hết là các cán bộ Sứ quán, Thương vụ Việt Nam trên khắp thế giới, sau nữa là các quan chức cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ…có hàm tương đương thứ trưởng, bộ trưởng, thậm chí ở cấp cao hơn. Xung quanh việc đưa rước và cất dấu „thẻ đỏ” ở Ba Lan thời đó có những câu chuyện cười ra nước mắt. Các ‘thẻ đỏ” đi lẻ được bố trí đón, sau đó bị „nhốt” tại một địa điểm bí mật. Lúc nào bên cạnh VIP cũng có vài ba thằng đàn em của Soái kè kè như canh giữ món đồ „quốc bảo”. Thậm chí phải thường xuyên di chuyển chỗ ở của VIP để tránh sự nhòm ngó tranh giành của thằng khác. Mất cảnh giác dù chỉ vài bước là có ngay kẻ chen chân vào phá đám. Gặp „VIP” tham, được gạ trả công vênh thêm năm trăm hay một nghìn đô là VIP biến mất dạng. Mấy hôm sau đã thấy VIP đó lên tầu áp tải hàng cho Soái khác.   
          Từ năm 1991 trở về trước, xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan được thực hiện theo nghị định thư về ngoại thương kí kết giữa hai nhà nước. Lúc đó 100% hàng hóa từ Việt Nam xuất đi do các công ty ngoại thương nhà nước thực hiện (gọi là xuất khẩu chính ngạch). Bắt đầu từ năm 1989 ngay sau khi Ba Lan thay đổi thể chế, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước giảm sút nhanh chóng. Từ năm 1992 hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan được thực hiện chủ yếu bởi các doanh nghiệp Việt Kiều tại Ba Lan (gọi là xuất khẩu tiểu ngạch). Kim ngạch xuất khẩu tư nhân từ Việt Nam sang Ba Lan ngày càng tăng và đạt tới giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm, gấp hàng chục lần so với xuất khẩu của ngoại thương nhà nước trước đây.
          Buổi ban đầu của kinh tế thị trường Ba Lan, rất ít người Việt Nam có đủ tư cách pháp nhân để thành lập doanh nghiệp. Lúc đó hầu hết người Việt Nam chưa vào quốc tịch Ba Lan nên chỉ có những người dùng tư cách pháp nhân của vợ (chồng) là người Ba Lan mới mở được công ty. Ngoài loại hình trên, rất hiếm người có đủ số vốn tối thiểu 50 nghìn USD để mở Công ty Đầu tư Nước ngoài (Joint venture). Hội Văn hóa, Xã hội người Việt Nam tại Ba Lan, tổ chức có tư cách pháp nhân đầu tiên của người Việt Nam được thành lập năm 1986 là một cứu cánh rất kịp thời cho những cựu lưu học sinh khi đó. Hội đã giúp nhiều hội viên thành lập hệ thống sklep orientalny (cửa hàng phương đông) tiền thân của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Trong lúc giao thời, hàng chục chiếc cửa hàng của Việt Kiều trải trên khắp lãnh thổ Ba Lan đã thay thế dần hệ thống cửa hàng Jubiler của Ba Lan để tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, hàng may mặc từ Việt Nam đưa sang. Thời gian đầu các cựu lưu học sinh Việt Nam, những ông chủ của hệ thống cửa hàng phương đông rất nhanh nhạy, họ vừa khai thác nguồn hàng nhập khẩu tiểu ngạch của người Việt Nam đem sang, vừa mua lại hàng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch còn tồn trong hệ thống thương nghiệp quốc doanh của Ba Lan. Không những mua hết tại quầy hàng, họ còn vét sạch hàng chưa kịp xuất kho khi giá thị trường nhảy từng ngày trong khi thương nghiệp nhà nước Ba Lan chậm thay đổi giá.
          Từ cuối năm 1989 thị trường Ba Lan như lên cơn sốt đón nhận hàng hoá đủ loại do các doanh nghiệp Việt Kiều nhập về ồ ạt qua đường hàng không và đường bưu điện. Từ đây nền „Kinh tế Chợ Việt Nam trong lòng Ba Lan”  bắt đầu mở ra với qui mô lớn, phát triển rộng khắp và len vào từng ngôi nhà nhỏ Ba Lan. Nền kinh tế mở đánh dấu thời tàn của mô hình buôn lậu trên các nẻo đường quốc tế Đông – Tây dựa vào hệ thống „thẻ đỏ” như nguồn bao cấp đặc quyền của một số người. Nền kinh tế mở vừa mở ra cơ hội làm giàu cho tất cả mọi người, vừa đẩy đến sự sụp đổ nhanh chóng của những Soái - thần tượng „một thời vang bóng” không biết nhanh nhạy với sự nghiệt ngã của thị trường.
          Sau gần một năm không còn đóng vai „chiến sĩ tình nguyện trên mặt trận quốc tế” , Nguyên bỗng thấy nao lòng nhớ đến chiến trường xưa. Một ngày mùa thu năm 1990, Nguyên thả bộ chậm rãi trên lối đi trải đầy lá vàng lẫn chút lá đỏ dẫn tới Ga Tây. Vọng trên thinh không, tiếng mấy con ngỗng trời đang sải cánh chậm rãi bay về phương nam. Vài dải mây trắng mỏng nhẹ như lụa lãng đãng vắt ngang bầu trời xanh ngắt. Nắng chiều rực rỡ như đổ thêm màu, nhuộm vàng cảnh sắc đất trời cuối thu. Trên sân ga, cảm giác nhẹ tâng như cuốn Nguyên theo những đoàn tầu trôi về kí ức xa xăm. Dõi mắt nhìn về phương mặt trời lặn, Nguyên thấy đoàn tàu vừa lướt qua chỉ còn như một dấu chấm giữa nền trời hoàng hôn chiều tím huyền ảo. Từ dấu chấm đó, đời Nguyên lại lần nữa bước sang một chương mới.



Phần 6: Những cô thợ may bé nhỏ làm nên một cuộc „cách mạng” lớn lao
          Ngay từ thời chính thể cộng sản, mặc dù quan hệ hữu nghị tốt với Việt Nam nhưng Ba Lan không kí Hiệp định hợp tác về lao động giữa hai nước. Chính vì vậy trong suốt hàng chục năm, tại Ba Lan chỉ có du học sinh mà hầu như không có lao động người Việt Nam. 
          Năm 1989 một công ty may mặc của Ba Lan tại Uniejow (gần thành phố Lodz) xin được giấy phép tuyển một trăm sáu mươi nữ công nhân may Việt Nam sang làm việc. Các cô thợ may này đến từ Hà Nội và các vùng ngoại thành. Có thể nói đây là đội công nhân Việt Nam duy nhất làm việc tại Ba Lan trong lịch sử quan hệ hai nước. Mặc dù rất thận trọng trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, nhưng phía Ba Lan không thể ngờ được rằng chỉ một „sai lầm nhỏ” họ đã phải „trả giá đắt” cho quyết định tiếp nhận đội lao động gồm toàn các cô gái Việt Nam yếu đuối này. Một trăm sáu mươi cô thợ may bé nhỏ trong một thời gian ngắn đã làm xáo động xã hội Ba Lan, làm thay đổi cuộc sống bình lặng của du học sinh Việt Nam và quan trọng nhất, họ đã thúc đẩy nhanh quá trình hình thành cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. 
          Những năm cuối thập kỉ 80 là thời kì khó khăn nhất của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan. Cả xã hội kiệt quệ - sản xuất đình đốn, bãi công triền miên và lạm phát phi mã. Ba Lan như đang âm ỉ trước một vụ phun trào núi lửa. Đúng lúc đó những cô gái thơ may Việt Nam sang Ba Lan làm việc. Họ mang theo ước vọng về một chuyến đi Tây có thể giúp gia đình tại Việt Nam thoát cảnh đói nghèo. Viễn cảnh tươi đẹp đó sụp đổ nhanh chóng trước thực trạng kinh tế, xã hội mà họ được chứng kiến ngay khi mới đặt chân đến Ba Lan. 
          Những ngày đầu tiên, một trăm sáu mươi cô thợ may bị „nhốt” vào khu nhà hai tầng nằm sâu trong một khu rừng. Hàng ngày, rất đúng giờ, sáng xe đưa đến chỗ làm việc, chiều đón về. Lịch trình đều đặn đến nhàm chán. Cuộc sống đơn điệu của những cô thợ may như bị khép kín trong một „thế giới đàn bà”. Họ hầu như không được tiếp xúc với bên ngoài. Ngày qua ngày họ chỉ biết sống và làm việc tẻ nhạt như những con ong thợ cần mẫn. Mới có mấy tháng „âm thịnh, dương... không” ,mấy „cô” bỗng dưng biến thành „cậu”. Tình trạng này tiếp tục kéo dài lâu hơn nữa, có khi cả trại biến thành „thế giới les”. 
          Giới chủ hoặc không có kiến thức về tâm sinh lí phụ nữ, hoặc không đếm xỉa đến điều đó vì lợi nhuận. Sau gần nửa năm tù túng, chị em bắt đầu nhen nhúm „phản kháng”. Họ thể hiện sự bức bối nữ quyền bằng cách đòi giới chủ cho phép được ra ngoài „giao lưu” vào dịp nghỉ cuối tuần. Cuộc đấu tranh nổ ra quyết liệt dưới nhiều hình thức như bãi công, lãn công, cáo ốm…Đội ngũ phân hoá. Trong đoàn may chỉ có hai lãnh đạo là đàn ông - một đội trưởng và một phiên dịch.  Bộ phận trung kiên ủng hộ anh đội trưởng, bộ phận thoả hiệp ngả theo người phiên dịch. Cuối cùng giới chủ nhượng bộ cho phép chị em được tự do sử dụng ngày nghỉ. Cái giá phải trả không hề đắt, duy nhất anh đội trưởng, người lãnh đạo cuộc chống đối buộc phải về nước trước thời hạn. 
          Thời gian weeken đủ cơ hội cho chị em được tiếp xúc với đám du học sinh đang mắc „hội chứng lò so nén” về cái sự khao khát đàn bà. Nhà nước Việt Nam từ lâu vốn ác cảm với lối sống phóng túng của xã hội Ba Lan nên chủ trương hạn chế gửi nữ sinh viên du học tại đây. Lại thêm việc quản lí khắt khe, cấm sinh viên quan hệ với gái bản xứ. Âm dương không hài hòa, giới tính mất cân bằng nghiêm trọng. Thế nên ngay từ lúc nghe tin có đoàn nữ công nhân may sẽ sang Ba Lan làm việc, đám đàn ông háo hức đếm từng ngày. 
          Trong số du học sinh, một số dũng cảm vượt rào lấy vợ người Ba Lan, nhưng số đông còn lại chỉ muốn „tắm ao ta”. Họ thực sự mong mỏi tìm được vợ trong số những cô gái thợ may người Hà Nội. Sau thời gian tính bằng năm, hàng chục gia đình „thuần Việt” được xây dựng từ các mối tình „du học sinh – thợ may”. Thành công nhất trong việc
chinh phục  trái tim các người đẹp „nội địa” phải kể đến những chàng trai học viên trường Sĩ quan Hải quân Gdynia. Sau hơn hai mươi năm, tất cả các gia đình „du học sinh - thợ may” đến nay vẫn ấm nồng hạnh phúc. Chưa có cuộc hôn nhân nào của họ bị tan vỡ, một tỉ lệ hiếm có trong thế giới hiện đại. Len lỏi bên cạnh các cuộc tình đẹp, vẫn không tránh khỏi ít nhiều có các mối quan hệ thực dụng không nhân danh tình yêu. Một bên là chàng nghiên cứu sinh xa vợ lâu ngày muốn có chốn trút nỗi đơn côi, một bên là nàng thợ may muốn tìm điểm tựa vật chất. Đến khi các bà vợ được đón sang, những chàng nghiên cứu sinh vừa trải qua „một thoáng phiêu lưu” lại trật tự trở về chốn xưa. 
          Từ khi được sổ lồng, những con chim cái rời tổ, sải cánh bay đi muôn phương kết bầy. Đám nữ công nhân may tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần ngược xuôi thiết lập các mối quan hệ với du học sinh. Như một cuộc di dân, địa chỉ đầu tiên các cô gái nhắm đến là trường dạy tiếng tại thành phố Lodz, cách nơi ở của họ không xa. Qua sự giới thiệu của
bạn bè, nhiều người còn tìm đường lên Warszawa, rồi họ nhanh chóng toả ra nhiều thành phố lớn khác. Theo chiều ngược lại, các chàng trai Việt từ khắp Ba Lan quan tâm đến các cô gái thợ may cũng đổ về „khu trại” ở Uniejow. Vào dịp weekend, thị trấn này nhộn nhịp người ra, người vào. Khu rừng trước đây hoang vắng bỗng vui như trảy hội. Liền anh, liền chị dập dìu trao duyên. 
          Một số cô gái thợ may nhanh nhạy tìm cách khai thác nguồn hàng từ người mới quen. Các cô gái trẻ „không nơi nương tựa” mỗi khi ra khỏi nơi cư trú không có tiền để tá túc nhà trọ chứ đừng nói tới vào khách sạn. Thế là đương nhiên địa chỉ qua đêm mỗi khi lỡ độ đường của họ là kí túc xá sinh viên hay nhà nghiên cứu sinh. 
          Nguyên có thằng bạn nghiên cứu sinh, nhà nó toạ lạc đúng điểm trung tâm Warszawa, cách ga Dworzec Centralny hơn 200 mét. Đây là nơi rất tiện lợi cho các nàng thợ may ghé qua lấy hàng, hay gửi đồ trước khi ra tầu. Một lần Nguyên khuyên đểu thằng bạn: - Mày tranh thủ lúc vợ chưa sang, mở dịch vụ nhà trọ, lợi cả đôi đường, vừa tiền, vừa tình, mất gì! Thằng kia cũng thuộc loại nhát chết như Nguyên. Nó cười hề hề: - Tao hay nghĩ xa, được chẳng thấy đâu, có khi trắng tay. Mày chưa biết mụ vợ tao đâu, léng phéng mụ ấy xẻo liền, vứt cho vịt nuốt chửng. 
          Thời gian đó Nguyên và thằng bạn chung tay đánh rất nhiều hàng Việt Nam. Cả hai đều muốn xây dựng hệ thống tiêu thụ hàng. Đối tượng chúng nó nhắm đến trước tiên đương nhiên là các cô thợ may, sau mới đến đám Việt Kiều. Thế nên mặc nhiên nhà thằng bạn Nguyên trở thành trạm giao liên, vừa là nơi dừng chân cho các nàng, vừa là đầu mối bán hàng. Thằng kia rất hám gái nhưng lại sợ mụ vợ la sát sắp sang. Nó biết điểm yếu của mình, hễ bị nhốt chung chuồng với đàn bà là không giữ nổi mình. Nó tìm cách ngăn ngừa từ xa theo lối „phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trước khi trời tối, thằng bạn Nguyên thường viện cớ có việc phải đi, để lùa các em ra khỏi nhà. Mà nó đi thật, nó sang nhà Nguyên, vừa để lánh nạn, vừa kiếm bữa rượu, lại không phải nấu, tiện đủ mọi đường. Nhưng dù kĩ mấy, đôi lần thằng bạn Nguyên vẫn không thoát. Ấy là vào những dịp Nguyên vắng nhà, không cứu giúp được gì cho nó.  
          Mỗi khi như thế, thật là thảm hoạ cho thằng kia. Nhà nó có mỗi một phòng với cái giường đôi. Không lẽ lại nằm chung. Nỗi khổ này không chỉ dành riêng cho thằng bạn Nguyên mà cho cả con kia nữa, cho cả hai đứa „tuy rằng khác giống nhưng chung một...chuồng”. Thằng kia tỏ vẻ đàn anh, nhường giường cho gái. Nó trải đệm ngủ dưới đất. Mà ngủ thế quái nào được, nói chính xác phải là nằm qua đêm. Ai đã từng nếm trải hoàn cảnh trớ trêu này mới hiểu được nỗi khổ của hai con người, một đực, một cái, ngửi thấy mùi da thịt của nhau, nghe hơi thở của nhau mà không được
làm gì. Thật tội nghiệp cho hai cơ thể đang độ khát dục, phải gồng mình vật vã suốt đêm. Thằng kia giả bộ nằm yên đó, nhưng nó vẫn căng người, dõi theo tấm thân cô gái trong lần váy mỏng, đang vặn mình, quắp chặt tấm chăn len còn đượm nồng hơi ấm của nó. Có lẽ trong cái đêm dài như vô tận đó, cả hai đứa thao thức trong cơn tê dại, chực vồ lấy nhau. Cuối cùng thằng bạn Nguyên vẫn hèn như bản tính cố hữu của nó. Không biết cô thợ may trẻ có nghĩ về thằng kia như một gã đàn ông ngu ngốc đầy tội lỗi đối với phụ nữ không? 
          Sau cái đêm khốn nạn ấy, có đôi lần thằng bạn kia phải gọi Nguyên sang ngủ cùng. Vừa để giúp nó không bị lỡ bước sa chân, vừa giữ trọn tình thâm với vợ. Mỗi lần như thế, không riêng gì hai đứa kia mà lại thêm một kẻ khốn khổ thứ ba nữa là Nguyên. Hai thằng đực nằm dưới sàn trở mình suốt đêm. Mỗi khi nước bọt ứ đầy miệng, chúng phải cố làm ra tiếng động, để dấu nhau những tiếng ực ực phát ra từ nơi cổ họng. Đàn ông thằng nào chả thế, cứ gì thằng kia với Nguyên.
           Rõ khổ cho thằng bạn Nguyên, giữ gìn phẩm hạnh đến vậy, thế mà sau khi đón vợ sang, chưa được ba năm con vợ nó đã tếch theo thằng phi công trẻ. Tội nghiệp! Thằng bạn Nguyên vừa mất vợ, vừa mất tiền con vợ nó cuỗm theo giai. Đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện xảy ra trong „cái đêm hôm ấy, đêm gì” thằng bạn Nguyên vẫn chép
miệng ra chiều nuối tiếc.  
          Từ năm 1989 chính sách của nhà nước Việt Nam đối với người ra nước ngoài thăm thân nhân đã thoáng hơn trước rất nhiều. Thời gian này Ba Lan vẫn còn dễ dãi trong việc cấp thị thực lưu trú cho người Việt Nam. Chính từ những lẽ đó, trong ba năm 1989-1991 làn sóng vợ chồng, bố mẹ của du học sinh sang Ba Lan dội lên ồ ạt. Rất nhiều người trong số đó đã ở lại, không về nước sau khi hết hạn visa. Người nhà du học sinh hầu như đều xuất thân từ trí thức, họ là cán bộ làm việc tại các cơ quan danh giá trong nước. Thời đó trong quan niệm xã hội, buôn bán là một việc làm đáng xấu hổ. Không một ai trong số du học sinh và người nhà của họ đủ can đảm phơi mặt bán hàng trên phố. Họ chỉ làm công việc nhập hàng hóa từ trong nước sang và phân phối ngầm trong nội bộ người Việt. Chính đức tính sĩ diện mang tính „đằng cấp trên” của họ khiến cho vai trò của các cô gái thợ may càng được khẳng định và toả sáng. 
          Trong giai đoạn bản lề chuyển sang kinh tế thị trường tại Ba Lan, trước khi các cô gái thợ may đồng loạt tiến hành cuộc „cách mạng đường phố”, hàng từ Việt Nam chuyển sang chủ yếu được tiêu thụ trong hệ thống các cửa hàng lưu niệm „Phương Đông”. Phương châm bán hàng của các anh Việt Kiều nhiều chữ là thu lợi nhuận cao trên doanh số thấp. Hàng hóa trong các cửa hàng của họ được bày bán với giá cao ngất, thường gấp ba bốn lần giá bán buôn. Chính vì vậy số lượng hàng hóa tiêu thụ được trên thị trường bán lẻ rất ít. Nhưng kể từ khi các cô gái thợ may đảm nhiệm vai trò dẫn dắt trên thị trường bán lẻ, tình hình phân phối hàng hóa đã thay đổi căn bản. Doanh số bán hàng tăng lên gấp hàng chục thậm chí hàng trăm lần so với trước. 
          Thưở ban đầu, các cô gái Hà Nội yếu ớt chưa coi bán hàng là nghiệp, họ vẫn còn rụt rè e ngại, họ chỉ muốn thoát nghèo từ việc tần tảo kiếm tiền phụ thêm đồng lương còm cõi những lúc „công nhàn”. Nhưng sau một thời gian ngắn, họ bất chợt nhận ra rằng, họ đang bơi trong một „biển vàng” thời buổi đục nước béo cò. Thực ra người dân Ba Lan cũng như các nước Đông Âu khác và Liên Xô vẫn còn nghèo khi mới bước ra khỏi nền kinh tế quan liêu bao cấp. Nhưng trải qua thời gian dài khủng hoảng, hàng hoá rất thiếu thốn và khan hiếm, nên bất kể thứ hàng gì lạ mắt, hợp thị hiếu, dù chất lượng không cao, đều bán được với giá rất hời. 
          Thời gian này trên đất nước Ba Lan, hầu như ở đâu, từ thành thị đến nông thôn đều diễn ra khung cảnh hết sức lạ mắt: người dân bản xứ vây quanh các cô gái nhỏ nhắn, mắt xếch để mua hàng như tranh cướp. Trong vòng vây của các bà, các chị to lớn gấp đôi, gấp ba, các cô gái Việt Nam vừa bán hàng, vừa lo đảo mắt canh chừng mất cắp. Nhiều khi họ phải yêu cầu người mua xếp hàng trật tự y chang thời mậu dịch phân phối hàng hóa. Mỗi buổi sáng họ kéo đi một xe kéo với hàng chục chiếc áo phông, áo vải, váy thêu… xuất xứ Việt Nam, cùng hàng chục tá bút bi, bật lửa… Trung Quốc, đến chiều về, chỉ còn lại chiếc túi rỗng không. Hàng gì cũng bán được, thậm chí hàng lỗi, hàng hỏng. Chỉ cần giảm giá chút ít người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua. Mỗi ngày bán hàng, sau khi trừ tiền vốn, người bán hàng thu lời từ 150 đến 450 USD tuỳ địa điểm, tuỳ mặt hàng và tất nhiên tuỳ cả duyên người bán. 
          Với thu nhập một ngày bán lẻ tại Ba Lan nhiều hơn một năm tiền lương công chức ở Việt Nam, cả cộng đồng người Việt nhao lên trong cơn sốt kiếm tiền, họ ồ ạt xuống đường „đi chợ lẻ”. Tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, giới tính, thành phần xuất thân đều vứt bỏ nỗi ám ảnh định kiến về „buôn đường, bán chợ” đua nhau tìm chỗ bán hàng. Họ chia nhau toả ra trấn giữ lối đi bộ trên các trục giao thông chính, họ tràn xuống các đường hầm, họ đứng ngập các chợ cóc, họ len lỏi về các vùng thôn quê hẻo lánh, vùng biên giới xa xôi…Sức lan tỏa mang hương vị tiền, tưởng chừng như không gì cưỡng nổi. Mùa đông giá rét, nhiệt độ xuống tới âm 15 - 20 độ C cũng không ngăn được ý chí của những người Việt Nam. Họ bất chấp thời tiết khắc nghiệt, chôn chân dưới tuyết, run rẩy bán hàng trong cơn gió vần vũ, buốt  lạnh thấu xương. 
           Đến lúc này thu nhập phụ của các cô gái đoàn may đã trở thành thu nhập chính. Đồng lương còm cõi tại xưởng may không còn giữ được chân họ nữa. Các cô thợ may lại một lần nữa nổi loạn. Họ lãn công, tự ý bỏ việc.. với quyết tâm được giải phóng. Sau mấy tháng quậy phá của các cô gái, giới chủ không chịu được nhiệt, đành buông xuôi. Họ phá bỏ hợp đồng, trả lại hộ chiếu cho 160 thành viên đoàn công nhân may. Các cô gái không bị trục xuất về nước, họ trở thành người tự do trên lãnh thổ Ba Lan. Tuy nhiên một bộ phận trong số họ tự nguyện trở về Việt Nam. Số đông còn lại quyết định ở lại Ba Lan kiếm tiền. Họ không những tự mình đứng vững mà còn đưa anh em, bạn bè, họ hàng từ Việt nam, từ các nước lân cận sang, đi chợ bán hàng. Số người Việt Nam đến và ở lại Ba Lan tăng trưởng từng tuần. Năm 1989 mới tính đến con số hàng trăm, chỉ mười năm sau số lượng đã lên đến hàng chục nghìn người, cả hợp pháp lẫn không hợp pháp. Nhà nước Ba Lan lo ngại tìm cách đối phó với làn sóng di dân người Việt nam. Họ đề ra các chính sách chặn cửa, xiết chặt visa. Đến lúc đó mọi chuyện trở nên quá muộn. Một cộng đồng thiểu số Việt Nam vững mạnh đã hình thành trong lòng xã hội Ba Lan 
          Sau hai năm rời Việt Nam sang Ba Lan, nỗi nhớ vợ con vời vợi lớn dần trong Nguyên. Một đêm tháng ba, ánh trăng như dát bạc đất trời, Nguyên ngồi trên ban công dõi mắt về phương Đông, nó như thấy hiện lên trong chiếc gương soi vằng vặc treo giữa trời đêm, hình ảnh người vợ đang chong mắt nhìn nó, ngóng đợi. Hai tháng sau cái
đêm quay quắt nỗi nhớ ấy, vào đúng ngày 19 tháng 5 năm 1990 vợ và con gái đầu lòng của Nguyên đặt chân đến Ba Lan. Đây là một sự kiện trọng đại trong cuộc đời Nguyên. Kể từ lúc đó Nguyên không còn đơn độc bươn trải trên thương trường khắc nghiệt xứ người. Bên cạnh Nguyên có thêm một người đồng ngũ trung kiên, luôn xẻ chia tiếp sức cho Nguyên trên mỗi bước thăng trầm của cuộc sống và sự nghiệp.


Phần 7: Nền kinh tế chợ Việt Nam trong lòng Ba Lan
          Kinh tế chợ của người Việt Nam là một bộ phận cấu thành trong nền kinh tế thị trường Ba Lan. Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan là một cộng đồng non trẻ, chưa hội nhập đầy đủ vào xã hội Ba Lan, nên các hoạt động kinh tế của nó còn khép kín, chậm hòa tan vào nền kinh tế sở tại. Kinh tế chợ được mọi người Việt Nam ở Ba Lan quan niệm nôm na là một dạng kinh tế đặc thù, riêng có của cộng đồng. Tổ chức ban đầu của nó tương đối sơ khai và mang đặc trưng dấu ấn chợ. Mọi người gọi mãi thành quen, rồi gán luôn cái tên “kinh tế chợ” cho nền kinh tế cộng đồng. Trong nền kinh tế chợ, người Việt Nam tự tổ chức các hoạt động kinh doanh từ khâu thiết lập nguồn hàng, phân phối và tiêu thụ hàng hóa. Họ tiếp thị, lựa chọn mẫu mã, huy động nguồn vốn, nhập hàng, giải quyết hải quan và cuối cùng là tiêu thụ hàng hóa (bán buôn và bán lẻ). 
          Trước năm 1990, lực lượng trí thức chiếm tỉ lệ gần như tuyệt đối trong cơ cấu người Việt Nam tại Ba Lan. Cùng với sự tăng trưởng dân số của cộng đồng, tỷ trọng trí thức ngày càng bị pha loãng. Tuy nhiên trong suốt chặng đường phát triển, tầng lớp trí thức luôn đóng vai trò hạt nhân. Họ có nhiều ưu thế vượt trội về hiểu biết xã hội, về tiếng và quan hệ sâu rộng với người bản xứ. Trong các chiến dịch làm ăn, trí thức Việt Kiều dù số lượng ít nhưng luôn là lực lượng tìm tòi, sáng tạo, khơi nguồn và dẫn dắt cộng đồng. 
          Sau cuộc cách mạng chuyển đổi thể chế, Ba Lan bỗng dưng trở thành miền đất hứa màu mỡ cho cộng đồng người Việt Nam làm giàu nhanh chóng. Ngoài việc đóng vai trò thị trường trung chuyển hàng hoá cho nước láng giềng “Liên Xô vĩ đại”, Ba Lan còn là thị trường nội địa có sức mua cao, với gần 40 triệu dân. Thời gian đầu khi mới mở cửa, thu nhập đại bộ phận dân chúng chưa cao, nhưng do trải qua thời gian dài khủng hoảng, hàng hoá thiếu trầm trọng, nên người tiêu dùng còn dễ tính. Khi đó hầu như tất cả các loại hàng hóa hợp thị hiếu, dù chất lượng không cao, đều được thị trường chấp nhận. 
          Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thị trường Ba Lan như một sa mạc mênh mông háo nước. “Cơn mưa hàng hoá” dẫu có to, ngay lập tức bị thấm sâu vào “lòng cát”. Thời đó việc kiếm tiền thật dễ. Không cần tài giỏi, chẳng cần tư duy nhiều, chỉ cần một chút không ngu, một chút ý chí, cộng với tí ti không biết sợ, là có cả điều kiện cần và đủ để làm giàu. Vòng luân chuyển tiền – hàng với tốc độ chóng mặt, tỷ suất lợi nhuận khó tin nổi. Cứ có tiền là có hàng và ngược lại, cứ có hàng là sinh lời, là đêm về vợ đếm chồng cười. Ai cũng thế, không có ngoại lệ. Người người đua nhau vơ tiền, y như bắt được. Cơ may không chỉ đến một lần mà hầu như ngày nào cũng vậy. 
          Được ngụp lặn trong “biển vàng”, nhiều mảnh đời Việt Nam trước đó lam lũ đến khi ấy phất lên như diều gặp gió. Đổi lại, cuộc sống của họ trở nên kém an toàn hơn, họ luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ rình rập. Người dân Ba Lan vừa thoát khỏi nền kinh tế quan liêu bao cấp, cuộc sống của họ còn rất khốn khó. Trong khi đó người Việt Nam trên mảnh đất đó lại kiếm được rất nhiều tiền. Đúng là đục nước béo cò. Trong mắt người dân bản xứ thuộc tầng lớp dưới, cộng đồng người Việt Nam là bộ phận xã hội giàu có. Bọn bất lương người Ba Lan đánh hơi thấy những miếng mồi ngon, nhở nhơ trước mắt. Chúng tìm cách tấn công người Việt Nam đơn lẻ ở mọi nơi, khi có cơ hội. Những địa điểm nguy hiểm với người Việt thường là nơi vắng vẻ như lối vào chung cư, trong thang máy, đường hầm, nhà riêng, thậm chí cả trong toa tầu hoả… 
          Đất nước Ba Lan thanh bình, người dân Ba Lan thân thiện. Theo đánh giá của tổ chức an ninh Liên hiệp Châu Âu, Ba Lan là nước có tỉ lệ tội phạm thấp nhất EU. 96% dân số Ba Lan theo đạo Thiên Chúa nên người dân Ba Lan nói chung sống có đạo lý. Tuy nhiên không có gì tuyệt đối. Ba Lan vẫn có tệ nạn xã hội và khó tránh khỏi những mối đe doạ nguy hiểm. 
          Trong những năm sống ở Ba Lan, Nguyên chưa bao giờ bị đánh. Nhưng Nguyên lại có duyên nợ với hơi cay bình xịt. Có lẽ Nguyên mạng mộc hợp với thủy (thủy sinh mộc) nên cái mặt nó hay được người đời tưới tắm. Vào một ngày tháng 3 năm 1990, Nguyên ra ga Dworzec Centralny tiễn ông bạn tên V đang học trường tiếng tại thành phố Lodz. Hai thằng khệ nệ xách một chiếc túi du lịch, bên trong đầy căng các loại khăn, áo, váy thêu…Vừa đu người lên toa tàu, chưa kịp kéo túi vào hành lang, Nguyên và V bị ba thằng tây không tóc, không râu, to như ba con gấu quây lại. Một thằng cao cỡ gần hai mét nhấc bổng V lên, giộng mạnh mặt nó vào thành tàu, rồi thả tay. Thằng bạn khốn khổ của Nguyên đổ ụp xuống như một cây chuối phạt ngang, bất động. Hai thằng tây còn lại giật chiếc túi du lịch, định nhảy xuống sân ga. Lúc đó, Nguyên không kịp nhận biết nỗi sợ hãi. Nó lao đến, đấm túi bụi vào cái bụng căng tròn của một thằng đứng ngay trước mặt. Hai nắm đấm bé nhỏ chỉ quen cầm bút của Nguyên lút sâu vào tảng mỡ, gắn trên một cái bụng phệ, vòng chu vi có đến mét rưỡi. Gương mặt thằng béo chẳng hề biểu cảm sự đau đớn. Có lẽ lực đấm từ tay Nguyên không đáng để nó phải bận tâm. Đúng lúc đó, thằng V mặt bê bết máu, đã định thần sau cơn choáng. Vừa nhặt hai cái răng ra khỏi miệng, nó gào toáng lên: - Cướp, cướp! Ba thằng tây khủng như ba con King Kong sững lại trước tinh thần không nao núng của hai tên loi choi mắt xếch. Thằng béo giằng mạnh chiếc túi khi tàu vừa chuyển bánh. Nhưng hai tay Nguyên vẫn bám chặt quai túi, ghì lại. Nguyên thấy thằng thứ ba rút từ trong túi áo khoác một vật có hình thù giống như trái lựu đạn. Nguyên chưa kịp nhận ra đó là thứ gì thì bản mặt bạch diện thư sinh của nó đã lãnh trọn nửa bình xịt hơi cay. Nguyên ôm mặt gục xuống. Ba thằng cướp bước vội qua người nó, nhảy xuống sân ga cùng với túi hàng. Đúng lúc đó tàu tăng tốc. Dưới sân ga không một bóng người, ngoài ba cái thân hình lực lưỡng đang khùng khục cười, đắc thắng. 
          Trên toa tàu không một ai qua lại, có lẽ mọi người đã ngủ. Nguyên không chịu nổi mùi hơi cay xộc lên nồng nặc. Mặt Nguyên bỏng rát, hai mắt nó nhắm nghiền, mũi nghẹt đặc, từng cơn nấc dội lên từ lồng ngực. Nguyên gần như không thở được nữa, mồm nó ngáp ngáp như cá đớp bóng khí. Nguyên ngã dúi vào người V, lúc đó đang ngồi bệt trên sàn. Máu từ mặt V nhỏ xuống người Nguyên, thấm đỏ cả một vạt áo. Nguyên lịm dần. Sau nửa tiếng, cái mùi hăng hắc, ngai ngái rất khó chịu của hơi gaz dịu dần, nhịp thở của Nguyên sâu hơn. Nguyên bắt đầu tỉnh lại, nó mờ mờ nhìn thấy ánh sáng sau làn nước cay xè, nhoe nhoét. Sau này mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, Nguyên và thằng V vẫn không hiểu, lúc đó chúng nó lấy đâu ra sự can đảm, dám đương đầu với ba tên cướp hung tợn, cao to vật vã. Mấy bạn hàng người Ba Lan sau khi biết chuyện, trêu Nguyên: - Bây giờ bọn tao đã hiểu, tại sao chúng mày thắng Mỹ. Nguyên thấy ngứa tai khi phải đón nhận những lời “khen đểu” kiểu như thế. 
          Việt Nam từ bỏ nền kinh tế kế hoạch quan liêu, chuyển sang kinh tế thị trường trước khi Ba Lan chuyển đổi cơ chế. Yếu tố hàng hoá đầu vào Việt Namthị trường đầu ra Ba Lan như một bài toán được xắp đặt trước, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Qua nhiều ngả đường, qua nhiều cách thức khác nhau, các loại hàng hoá có xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc được chuyển sang Ba Lan với qui mô ngày càng lớn, chất lượng ngày càng cao. 
          Thời gian đầu, hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam được mang theo như hành lý của hành khách bay máy bay. Hãng hàng không Aeroflot của Liên Xô khi đó chiếm thị phần lớn nhất về vận chuyển từ Việt Nam sang Liên Xô và Đông Âu. Hãng này không qui định khắt khe về khối lượng hành lý. Mỗi hành khách có thể mang bẩy, tám chục kg với cước phí rẻ như cho không. Vợ và con gái Nguyên sang Ba Lan đúng vào dịp này. Số hàng dệt may hai mẹ con mang theo, nặng tới hơn một tạ, được bán hết veo tại căn hộ của Nguyên trong vòng hai tiếng đồng hồ. Các khách hàng quen thuộc của Nguyên gầm gè, lao vào mua như tranh cướp. Vợ Nguyên trước đó đã biết về “thiên đường” Ba Lan qua những lá thư của chồng gửi về và qua các bà bạn, vợ nghiên cứu sinh. Nhưng thị vẫn cứ ngỡ ngàng, lại thầm tiếc rẻ nữa.  
          Nửa đầu năm 1990, vào những ngày có lịch bay của hãng hàng không Aeroflot nối chuyến từ Hà nội quá cảnh Moskva đến Warszawa, băng chuyền hành lý tại sân bay Okecie luôn quá tải. Hàng chục kiện hàng được đóng trong bao dứa giống hệt nhau, dồn ứ, chất thành từng đống lớn bên cạnh băng chuyền. Không bao lâu sau, nhân viên hải quan sân bay nghĩ ngay ra cách làm tiền. Họ đề ra qui định tư nhân không được phép nhận hàng hoá như hành lý mà phải qua thủ tục nhập khẩu vào công ty. Thời gian này hầu hết người Việt Nam chưa có tư cách pháp nhân để thành lập hãng. Một ý tưởng làm ăn lóe lên trong Nguyên. Nó hợp tác với công ty Vinam của Soái DC làm thủ tục nhận hàng cho những người Việt Nam bay sang theo đường hàng không.  
          Hàng đêm, khi màn đêm buông xuống, Nguyên ngồi taxi ra sân bay. Nó vạ vật, nhấm nháy, móc nối với nhân viên hải quan kéo từng kiện hàng. Bọn nhân viên hải quan chẳng thèm để mắt đến mấy thứ giấy tờ, cùng con dấu công ty. Lúc đó Nguyên mới hiểu, chúng chỉ thèm tiền. Càng dễ! nó nghĩ thế. Mỗi kiện hàng to vật vã, Nguyên lót tay cho nhân viên hải quan 100 USD thay vì nộp thuế. Bọn hải quan dù hám tiền song vẫn sợ sếp nên việc kéo hàng chỉ tiến hành vào ban đêm, lén lút như những tên trộm. Số lượng các kiện hàng lấy ra không theo kịp với tốc độ hàng ùn ùn đổ về theo mỗi chuyến bay. Đến khi những kiện hàng bọc bao dứa, kẻ sọc mầu mè, chất cao như núi, nhân viên hải quan đứng nhìn bất lực. Dù muốn họ cũng không dám ăn tiền trắng trợn, những núi hàng lồ lộ đã trở thành chuyện lớn. Lúc đó cơ quan hải quan Ba Lan mới vào cuộc, việc nhập hàng như hành lý theo người bị kiểm soát chặt chẽ. Từ khi đó, con đường tơ lụa đơn giản, hiệu quả qua đường sân bay bị chặn lại.  
          Đồng thời với việc khai thác đường hàng không, các du học sinh Việt Nam còn tận dụng đường bưu điện để chuyển hàng hoá. Theo qui định của phía Ba Lan mỗi bưu kiện nặng dưới 1 kg được coi như quà tặng, không phải chịu thuế. Tuy nhiên họ lại không hạn chế số lượng bưu kiện được nhận mỗi lần. Các du học sinh Việt Nam khai thác ngay sự sơ hở này để chuyển hàng hoá từ Việt Nam ồ ạt qua đường bưu điện trong suốt năm 1990. Những gói bưu kiện này được bưu điện hai nước hợp tác chuyển theo đường hàng không, từ khi gửi đến tay người nhận rất nhanh. Thời gian này đầu bên phía Việt Nam , mọi người thường nhìn thấy hình ảnh người nhà du học sinh nườm nượp ra vào Bưu điện Bờ Hồ - Hà Nội. Quầy chuyển bưu kiện bừa bãi, hối hả như một phân xưởng đóng gói, nghiệm thu. Cùng lúc, đầu bên phía Ba Lan, tại các chi nhánh bưu điện, những gói bưu kiện bọc giấy xi măng xuất xứ Việt Nam ngồn ngộn, chất đống. Trước các quầy nhận bưu kiện, nhiều người Ba Lan kiên nhẫn xếp hàng. Họ chứng kiến cảnh các chàng trai gốc Á bé nhỏ, kéo lê từng bao tải chứa đầy những gói bọc giấy xi măng ra taxi. Họ không thể biết bên trong những gói bưu kiện có cái gì và tại sao quà tặng lại nhiều đến vậy.  
          Chính các gói bọc giấy xi măng nhỏ nhắn đầy ma lực này khiến Nguyên một lần nữa lại “gặp duyên” với bình xịt hơi cay. Chung cư của Nguyên nằm tại trung tâm Warszawa. Về mặt lý thuyết đây là vùng an ninh khá tốt. Người Việt Nam thích thuê tại đây, họ ở khu này với mật độ rất cao. Những con mồi bé nhỏ, tóc đen, lắm tiền đã cuốn hút bọn lưu manh Ba Lan đến đây hành nghề. Bọn chúng lượn lờ quanh chân các toà nhà chung cư rình rập. Chiều tối một ngày cuối năm 1990, Nguyên chở chiếc bao tải chứa đầy bưu kiện mới nhận từ bưu điện về nhà. Trong lúc đi qua sảnh rộng đến thang máy, Nguyên chột dạ thấy một thằng tây lấm lét bám theo. Khi Nguyên bấm thang máy, thằng kia dừng lại cách nó chừng mươi mét, giả vờ lơ đãng nhìn quanh. Cửa thang máy vừa mở, Nguyên vội vã kéo chiếc bao tải vào trong. Nó luống cuống bấm nút tầng 5. Không kịp rồi! cửa thang máy chưa khép chặt, thằng vô lại đã sấn đến. Tên cướp giơ tay, xịt cả bình ga về phía mặt Nguyên. Do có linh cảm từ trước, Nguyên nghiêng đầu tránh được luồng hơi ga. Nó xô mạnh thằng kia, lách người lao ra bên ngoài. Nguyên vừa chạy vừa hô: - Cướp, cướp! Đến lượt thằng tây luýnh quýnh, nó chui ngược vào bên trong thang máy, mong tẩu thoát cùng với kiện hàng. Toà nhà Nguyên ở là chung cư lớn, có bảo vệ. Tuy nhiên chỗ bảo vệ ngồi lại khuất với thang máy, nơi đang diễn ra sự kiện kia. Thấy Nguyên lảo đảo chạy đến, nước mắt dàn dụa, bụi trắng một vai áo, viên bảo vệ lao ra hỏi: - Có chuyện gì vậy? Nguyên không nói được, nó chỉ tay về phía thang máy. Viên bảo vệ vừa dụi mắt, vừa hắt xì hơi, lao theo hướng Nguyên chỉ. Thang máy không còn ở đó, chắc nó đã đi lên, không biết dừng tại tầng nào. Nguyên cùng viên bảo vệ nhảy một bước vài ba bậc thang chân, leo lên xét kỹ từng tầng. Đến tầng năm, cả hai nhìn thấy tên cướp nằm vật trước cửa thang máy, hai bàn chân nó còn kẹt phía bên trong cùng với kiện hàng. Thì ra tên cướp bị say hơi ga, do chính nó đã xịt vào Nguyên trước đó. Những hạt bụi hơi cay li ti trắng đục vẫn còn mù mịt như sương trong thang máy. Mười lăm phút sau cảnh sát xuất hiện, thằng cướp vẫn nằm bất động. Viên cảnh sát vừa còng tay tên cướp vừa ngạc nhiên hỏi Nguyên: - Tại sao tên cướp say hơi ga, còn ngài thì không? Nguyên cười, đùa lại: - Thằng này tửu lượng kém, với tôi chừng đó chưa đủ đô. Hai gã cảnh sát nhìn Nguyên từ đầu đến chân, rồi lại nhìn nhau, thè lưỡi nhún vai.  
          Giống như số phận các bịch hàng chuyển theo đường hàng không, những gói hàng gửi qua đường bưu điện rồi cũng đến hồi hấp hối. Các gói bưu kiện đều chằn chặn, giống như những viên gạch, cứ ngày ngày, xếp chồng lên nhau, cao dần, đến lúc chạm trần. Hàng núi công việc bỗng dưng ở đâu xuất hiện, đổ ập xuống đầu các nhân viên bưu điện Ba Lan. Họ quá vất vả với cường độ lao động mới. Mỗi ngày vẫn từng ấy nhân viên, họ phải tiếp nhận, phân loại và phát chuyển hàng tấn bưu kiện cho các thượng đế khách hàng Việt Nam. Cả hệ thống bưu điện Ba Lan hỗn loạn vì không chịu nổi áp lực đến từ một đất nước xa lạ. Sự kiên nhẫn cũng có giới hạn. Tháng 12 năm 1990, hải quan Ba Lan một lần nữa lại vào cuộc. Họ đề ra qui định cá nhân không được phép nhận hàng miễn thuế dưới dạng bưu kiện. Hàng chục tấn hàng hoá đội lốt quà tặng dồn ứ trong hệ thống bưu điện Ba Lan. Mấy ông Việt Kiều vợ tây lại có việc làm. Họ có công ty để triển khai dịch vụ nhận hàng. Sau khi toàn bộ số bưu kiện đầy ắp mấy gian bưu điện trên phố Chmielna được giải toả, con đường tơ lụa thứ hai, nhập hàng may mặc từ Việt Nam vĩnh viễn đóng lại.  
          Trải qua khó khăn, sức sống Việt Nam càng có cơ hội chứng tỏ bản lĩnh và trí tuệ. Sau mỗi lần vấp ngã, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan lại vươn mình ngạo nghễ đứng dậy, trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn. Cuối năm 1990, cả hai cách thức chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang Ba Lan qua đường hàng không và đường bưu điện không thể thực hiện  được nữa bởi rào cản pháp lý. Trước thử thách mới, các doanh nhân Việt Nam tại Ba Lan không khoanh tay đầu hàng số phận. Một lần nữa họ lại thử nghiệm thành công và tìm ra con đường mới chuyển hàng từ Việt Nam sang Ba Lan trên cơ sở phát triển liên tục, bền vững với qui mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn.  





Phần 8: Nền “Kinh tế chợ” Việt Nam trong lòng Ba Lan (tiếp theo)
           Năm 1991 đánh dấu sự bùng nổ của thị trường hàng châu Á tại Ba Lan. Thời gian này các doanh nghiệp Việt Nam khai thác hàng hóa từ nhiều nguồn. Trước hết và chủ yếu là nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Korea, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ…sau nữa là mua lại của các doanh nghiệp khác tại Ba Lan và cuối cùng là nguồn hàng ký gửi.
          Ngay sau khi hai con đường chuyển hàng vào Ba Lan qua đường hàng không (theo người) và qua đường bưu điện bị đóng lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã sớm tìm ra con đường mới, vận chuyển cargo bằng đường hàng không. Chiến dịch này được tiến hành trong suốt cả năm 1991. Ban đầu cargo hàng chậm được chuyển từ Hà Nội quá cảnh qua Praha đến Warszawa. Thời điểm đó không một hãng Hàng không nào cạnh tranh được với hãng Hàng không Tiệp về giá cước vận tải cargo. Bốn tháng sau, hãng Aeroflot của Nga mới giành lại được thị phần và duy trì thế độc quyền trong suốt 8 tháng còn lại của năm 1991.
          Thời gian này, thị trường Ba Lan luôn ở trong tình trạng khát hàng. Lượng hàng chuyển sang tuy dồn dập vẫn không theo kịp tốc độ tiêu thụ. Lúc đó dịch vụ trọn gói từ khâu xuất hàng, vận chuyển, nhập hàng, đến giải quyết hải quan là công việc mới mẻ, đem lại thu nhập cao. Hợp tác với một công ty Việt Kiều có trụ sở tại thành phố Bydgoszcz, Nguyên triển khai công việc này từ A đến Z cho các khách hàng nhỏ lẻ không có điều kiện tự làm. Suốt một thời gian dài, hàng từ Việt Nam chuyển sang đến đâu, bán hết ngay đến đó với lợi nhuận cao. Mỗi lô hàng vài chục kiện của nhiều chủ, nên rất khó khai báo chính xác số lượng. Gom đủ số liệu có khi mất hàng tuần. Chịu sức ép từ các chủ hàng và muốn vòng quay nhanh, Nguyên đã phải trả giá cho một lần bất cẩn vì thiếu kiên nhẫn.
          Ngày 24/01/1991, Nguyên cùng cô bạn Barbara, chủ một công ty tư nhân Ba Lan đến kho ngoại quan nằm trên phố Ordolna làm thủ tục nhận lô hàng gồm 70 kiện của nhiều chủ hàng. Không có số liệu đầy đủ từ phía Việt nam về lượng hàng trong mỗi kiện, Nguyên đã tự ý ghi tờ vận đơn. Thật xui xẻo, hôm đó nhân viên hải quan nhất mực đòi kiểm tra ngẫu nhiên để đối chứng với tờ khai. Đếm ba kiện, sai cả ba. Cô bạn người Ba Lan tái mặt, vã mồ hôi. Trong lúc bị lập biên bản vi phạm, do không giữ nổi bình tĩnh, cô ấy đã giật phắt tờ vận đơn vật chứng cho vào mồm nhai rồi nuốt chửng. Quá đỗi bất ngờ, nhân viên hải quan chỉ biết tròn mắt nhìn người đồng hương thưởng thức „bữa sáng” trong vòng chưa đầy một phút. Cô bạn tây thường ngày vốn nhỏ nhẹ lịch sự , vậy mà trước hiểm nguy bỗng chốc hóa anh hùng.
           Toàn bộ số hàng bị hải quan niêm phong chờ giải quyết. Để xoá dấu vết sai phạm và kịp lấy hàng đang cơn nóng sốt, Nguyên quyết định đánh một canh bạc. Do non nớt, Nguyên chưa ý thức được tính nghiêm trọng của tội danh huỷ hoại tài liệu, cản trở người thi hành công vụ. Ngay sáng hôm sau, Nguyên tiếp cận nhân viên hải quan, người đã kiểm hàng, lập biên bản hôm trước. Hắn nói với Nguyên: - Muốn nhận được lô hàng, phải bù đủ số tiền thuế còn thiếu do khai thiếu số lượng. Nguyên hồ hởi, đút ngay hai nghìn zloty vào chiếc phong bì, kẹp chung với tập vận đơn.. Viên hải quan đột nhiên thay đổi thái độ, mặt nó rạng ngời, ra dấu làm hiệu cho Nguyên xếp hàng lên xe.    
          Khi chiếc xe tải chở 70 kiện hàng chuẩn bị chuyển bánh, bỗng nhiên một chiếc xe cảnh sát nhấp nháy đèn, hú còi lao từ cổng vào, chặn trước đầu xe tải. Ngay lập tức, hai viên cảnh sát bật cửa lao ra. Nguyên chưa kịp định thần, một viên cảnh sát đã rút súng chĩa thẳng vào Nguyên, viên cảnh sát còn lại dúi người Nguyên áp sát thành xe tải. Rất nhanh, hai chân Nguyên bị đá xoạc rộng ngang vai, hai tay giơ cao hơn đầu. Viên cảnh sát nắn vuốt kỹ lưỡng người Nguyên từ trên xuống dưới. Khi biết chắc Nguyên không mang theo vũ khí, họ tuyên bố Nguyên bị tạm giữ để điều tra về vụ tình nghi vi phạm pháp luật. Hai tay tra trong chiếc còng số tám, Nguyên bị đẩy lên xe cảnh sát. Còi lại hú, đèn lại nhấp nháy. Hai mươi phút sau, Nguyên đã yên vị trong trại giam của cảnh sát thành phố Warszawa. Tại đây, Nguyên đề nghị cho biết lý do bắt giam và yêu cầu ngay lập tức phải thông báo sự vụ cho gia đình và sứ quán. Cảnh sát Ba Lan rất kiên nhẫn và lịch sự, họ làm theo các yêu cầu của Nguyên. Do chưa có phiên dịch tuyên thệ và đại diện sứ quán, việc lập hồ sơ cáo trạng phải chờ đến hôm sau.
          Lần đầu tiên trong đời, Nguyên biết thế nào là nhà tù. Phòng giam chật chội, vẻn vẹn tám mét vuông. Hai bên sát tường có hai bệ xi măng được gọi là giường. Phía trên cao, gần sát trần, có một cái lỗ hình tròn, đường kính 30cm, được chia ra bởi hai cái cọc sắt phi 20. Đây là lối duy nhất nối ra thế giới bên ngoài. Kiễng chân không tới, Nguyên chỉ nhìn thấy qua đó vào ban ngày một khoảng trời vằng vặc như trăng đêm rằm. Ngày ba bữa, mỗi bữa ba lát bánh mì đen, phết bơ mỏng đến độ, nếu ai không biết, lại nghĩ bơ không màu, không mùi, không vị. Đói ăn tuốt, Nguyên nhâm nhi nhai đến mẩu vụn bánh cuối cùng. Khát uống cạn, Nguyên liếm láp từng giọt nước hòa bột gạo rang cháy.
         Chín giờ sáng hôm sau, đại diện sứ quán cùng người phiên dich có mặt. Lần đầu tiên Nguyên được làm quen với một người Ba Lan rất đặc biệt. Anh có tên Việt Nam là Lê Bình. Làm nghề phiên dịch tiếng Việt nhưng Lê Bình chưa một lần đặt chân đến Việt Nam. Anh tốt nghiệp khóa tiếng Việt tại Học viện Quan hệ Quốc tế Mockva (Nga). Anh là  người bạn thân thiết, gắn bó với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Sau nửa ngày làm việc, mọi thủ tục khai báo hồ sơ kết thúc, Nguyên lại trở về phòng giam với bánh mì, nước gạo rang, giường xi măng và một khoảng trời nho nhỏ. „Một ngày tù nghìn thu ở ngoài” quả thật không sai. Không giải trí, không thông tin, không hình ảnh, không tiếng động, chỉ có tiếng cửa sắt rít và tiếng giày cảnh sát gõ ngoài hành lang. Không gian khép kín trong bốn bức tường thật kinh khủng, sống ở đó chẳng khác gì bị chôn trong nhà mồ.
          Ngay sau khi Nguyên bị bắt, ba tờ báo Warszawa giật tít lớn „Trùm mafia Việt Nam tại Ba Lan bị còng tay”. Hoá ra báo lá cải ở đâu cũng như nhau. Với sự hào phóng của báo chí, đảng viên cộng sản Nguyên bỗng dưng được phong tặng danh hiệu…Bố Già. Sau đúng bốn mươi tám tiếng tạm giam, Nguyên được trả tự do để đối mặt với cuộc chiến pháp lý kéo dài tới mười hai năm.     
          Trong thời kỳ quá độ lên...kinh tế thị trường đầu thập kỷ 90, hàng hoá do các doanh nghiệp Việt Nam nhập về từ Việt Nam, Trung Quốc...hầu hết được bán sỉ cho người Việt Nam bán lẻ. Nghĩa là mạng lưới bán buôn của người Việt Nam khi đó chủ yếu dành cho trao đổi trong nội bộ cộng đồng. Thuở ban đầu, công đoạn bán buôn diễn ra ngay tại các căn hộ, nhà ở, hay kho lẻ của người nhập hàng. Thời gian sau, khi số lượng và chủng loại hàng hóa tăng lên, địa điểm giao hàng phân tán không còn đáp ứng được nữa, một số Việt Kiều có công ty đã lập ra các khu kho bán buôn. Họ thuê lại nhà máy cũ, kho chứa hàng, rồi ngăn thành các quầy nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam thuê lại. Các quầy này vừa là nơi chứa hàng, vừa là địa điểm giao hàng, thu tiền.
          Kho bán buôn đầu tiên nằm trên phố Dobra do hai Việt Kiều T.C. và C.K. lập ra. Diện tích mặt bằng rộng, được chia thành 12 quầy, mỗi quầy rộng hàng chục mét. Ở đây tập trung tên tuổi các soái lớn đánh hàng Việt Nam và Trung Quốc. Kho Dobra tuy không nhiều chủ hàng thuê, nhưng ở đó vẫn có đủ quán ăn và câu lạc bộ phục vụ cho vừa chủ, vừa khách đến mua hàng. Kho thứ hai nằm trên phố Grzybowska do anh Tr. Gdansk mở. Đây là một tòa nhà 4 tầng vốn là trụ sở một công ty Ba Lan. Anh Tr. Gdansk thuê lại mặt bằng tầng một và tầng hầm. Sau đó anh dùng lưới thép B40 ngăn lại thành 30 quầy, mỗi quầy rộng chừng 15m2. Kho này có địa điểm thuận lợi, tọa lạc ngay trung tâm Warszawa, trong khu dân cư có nhiều gia đình Việt Nam sinh sống. Kho cuối cùng được thành lâp theo mô hình này nằm trên phố Trojdena cắt phố Zwirki i Wigury do Việt Kiều T.C. và N.Đ.H mở. Khu kho này thực ra chỉ là những dãy container đặt trên một bãi đất trống. Các chủ kinh doanh đã dự tính trước thời gian tồn tại ngắn của mô hình này nên họ triệt để tiết kiệm chi phí đầu tư, đề phòng rủi ro. Do sinh sau đẻ muộn, kho Trojdena đã đóng cửa chỉ sau gần một năm hoạt động.
          Sân Vận Động Mười Năm Warszawa, chợ trời lớn nhất Châu Âu ra đời và phát triển những năm đầu thập kỷ 90 đã góp phần khai tử mô hình kho bán buôn do người Việt Nam tổ chức. Từ đây „mọi con đường buôn bán đều dẫn đến...Sân Vận Động”. Thời kỳ đỉnh điểm, Chợ SVĐ có trên 15 nghìn kios bán hàng (cả tây và ta), giải quyết việc làm cho hơn 30 nghìn lao động. Gọi là chợ trời nhưng thực ra đây là khu chợ đầu mối giao dịch bán buôn và bán lẻ hàng tiêu dùng được nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới và sản xuất tại Ba Lan. Đúng với nghĩa đen, Chợ trời SVĐ là „trên trời, dưới hàng”. Cần mẫn lượn cả ngày chắc vẫn chưa thể đi hết  mọi ngóc ngách của chợ.
          Chợ SVĐ bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 1990, khởi đầu với hai dãy kios tại khu vực Chợ Chó.  Một thời gian sau, các kios bán hàng mọc lên như nấm sau cơn mưa và nhanh chóng loang ra các khu Đường Ngang, Sân Tròn Trên, Sân Tròn dưới, Đường Tàu, Parking, PKS, Đuôi Máy Bay, Nhà Tôn, Nhà Gỗ, Tam Giác, Tứ Giác, Nhà Trắng, Đường Tàu Mùa Xuân, Đường Dốc...Toàn các địa điểm do người Việt Nam tự đặt tên, gọi mãi thành quen. Mỗi khu vực do một công ty, một „lãnh chúa” cai quản. Nhưng bao trùm nhất, bài bản nhất vẫn là công ty Damis. Thời kỳ cực thịnh, giá chuyển nhượng quyền sử dụng một kios vài mét vuông ở địa điểm đẹp có thể lên tới năm, bẩy chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn đô la.
          Khách mua hàng tại đây đến từ nhiều quốc gia phía Đông như Nga, Lítva, Belarusia, Ukrajna, Moldavia, thậm chí từ những vùng xa hơn như Azerbaijan, Armenia, Czesnia...hay từ các nước phía Nam như Rumani, Bungari, Nam Tư...và không thể thiếu khách đến từ các địa phương trên lãnh thổ Ba Lan. Thời gian  đầu, người đóng hàng tại Chợ Sân Vận Động chủ yếu là khách tây. Thường họ mua mỗi lần một hay vài xe mini bus, nhiều thì cả container, thậm chí vài container. Về sau người Việt Nam đổ buôn, bán lẻ từ các tỉnh xa ở Ba Lan thay vì vào các khu kho của người Việt Nam, họ lên thẳng SVĐ. Những năm 1995 – 2000 khách Việt Nam từ Czech, Slovakia, Đức...sang đóng từng xe tir hàng hóa. Người mua hàng đi lại nườm nượp, nhiều khi tắc nghẽn phải nhích từng bước một. Đó là thời kì hoàng kim của „nền kinh tế chợ Việt Nam trong lòng Ba Lan” 
          Vì là chợ bán buôn nên Chợ SVĐ mở cửa hoạt động từ rất sớm. Hai giờ sáng khách mua hàng đã chen chân bấm đèn pin, rọi hàng, hỏi giá. Chợ hầu như mở cửa quanh năm, không có ngày nghỉ, trừ những ngày lễ tôn giáo thiêng liêng. Lịch đỏ áp dụng ngày nghỉ cho cả Ba Lan, trừ Chợ SVĐ. Người Việt Nam làm việc tảo tần suốt tháng. Nếu được quản lý chợ cho phép, họ có thể bán hàng cả ngày, cả đêm, không ngừng nghỉ.  Con dân nước Việt ở đâu      cũng vậy, ý chí làm giầu vượt qua cả giới hạn sinh học. Nhiều người luôn trong tâm trạng thấp thỏm, bất an. Họ bị ám ảnh bởi hội chứng „sợ thằng hàng xóm tranh mất khách hàng”.
          Có câu chuyện về hai cô người Việt ngồi bên nhau, bán cùng mặt hàng. Mới đầu họ thân nhau như chị em ruột, con chấy cắn đôi, hạt gạo bẻ nửa. Vậy mà chỉ nửa năm sau, hai bên thường xuyên bị đặt trong tình trạng chiến tranh lạnh, sẵn sàng ấn nút hủy diệt nhau. Chuyện gầm ghè tranh khách của nhau xảy ra như cơm bữa. Bên này báo giá cho khách, vừa lúi húi quay đi, bên kia đã giật áo, giơ máy tính trước mặt khách, bấm giá thấp hơn. Một lần có cô buồn tiểu, dù phải nhảy tưng tưng vẫn không dám rời quầy vì sợ cô kia tranh khách. Sau rồi chịu không nổi, cô bèn lấy chai bia chồng uống cạn, tưới vào đấy. Vừa lúc cô quay lưng, có ông già chuyên đi nhặt chai đổi bia, ngật ngưỡng đi ngang. Cô hàng xóm vẫy ông lại, chỉ vào cái chai dựng ở chân ghế. Ông già rạng rỡ nhặt lên. Thấy bên trong có lưng chai nước màu vàng nhạt, ông già tưởng bia còn sót lại định ngửa cổ tu. Cô này động lòng trắc ẩn, hoảng hồn xua tay ngăn lại. Cô chỉ tay vào cái „ấy” của mình, rồi lại chỉ vào quầy cô kia, ý chừng mách cô kia chính là chủ nhân của thứ bia tạo hóa đó. Ông già hiểu ý, văng ngay ra một câu chửi thề „kurwa”. Vẫn  chưa hả cơn tức, ông già cầm đít chai, dốc ngược cả chỗ „nước thơm” lên xấp hàng mới tinh của thủ phạm. Chuyện này Nguyên chỉ nghe kể lại, chưa được kiểm chứng nên không biết thực hư, đúng sai thế nào.
          Chợ SVĐ là nơi kiếm cơm của đủ các hạng người. Vì thế rất nhiều tệ nạn xã hội xảy ra ở đây. Trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, bạc bịp, đâm chém...diễn ra thường ngày như một sự tất yếu của cuộc đấu tranh sinh tồn. Không chỉ có những kẻ du thủ du thực mà cả lực lượng bảo vệ, cả cảnh sát thoái hóa tham gia tích cực vào quá trình tận thu, phân phối lại thu nhập. Bọn chúng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của dân lao động lương thiện cả tây và ta trên chợ. Một lần đang ngồi ăn, Nguyên được nghe chủ quán kể lại: - Sáu giờ sáng nay, tại đường hầm vào khu PKS, hai thằng bất lương vật một phụ nữ Nga ra đất, mặc cho bà ta giãy dụa cầu cứu, một thằng ngang nhiên thò tay vào bên trong quần giật ra một chiếc túi đầy tiền, chúng cười hô hố, chạy mất dạng trước ánh mắt nhìn theo, bất lực của nhiều người. Tội nghiệp! bà người Nga chỉ biết giậm chân khóc than. Toàn bộ số tiền mua hàng bà đem theo tận nước Nga xa xôi đã bị cướp sạch.
           Doanh số trao đổi hàng hóa của Chợ SVĐ, theo báo cáo của cơ quan Thống kê thành phố Warszawa lên tới gần năm tỷ USD mỗi năm. Người ta không công bố chính xác tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong số đó được tái xuất ra nước ngoài và bao nhiêu ở lại với thị trường bán lẻ Ba Lan. Nhưng theo ước tính của báo chí, vào những năm 1995-2000 có không dưới một nửa doanh số hàng hóa đã  tỏa ra thị trường bán lẻ nội địa Ba Lan. Một con số không hề nhỏ. Năm 2008 Ba Lan và Ukrajna chính thức được UEFA chọn đồng đăng cai tổ chức giải Vô địch Bóng đá Châu Âu năm 2012. Vậy mà kế hoạch đóng cửa chợ trời để xây dựng lại Sân Vận Động Quốc Gia đã gây ra cuộc tranh cãi không dứt ở cấp thành phố và cấp nhà nước. Mãi đến ngày 31/06/2010 nghĩa là hai năm sau, việc đóng cửa Chợ SVĐ  mới hoàn tất. Thế mới thấy, Chợ SVĐ có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế, chính trị , xã hội của Ba Lan và sự tồn tại của bộ phận lớn cộng đồng người Việt Nam.
           Năm 1991 đánh dấu bước phát triển cả về số lượng và chất lượng của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Trong năm này, Ba Lan bắt đầu ban hành các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Họ cho phép công dân các nước đầu tư tối thiểu năm mươi nghìn USD có thể mở công ty Joint Venture. Tháng bảy năm 1991, Nguyên cùng một người bạn thành lập công ty theo luật Đầu tư Nước ngoài. Có thể nói vào thời điểm đó, sau công ty Tofima của soái T., công ty Joint Venture của Nguyên là công ty thứ hai của người Việt Nam (không phải là Việt Kiều) có tư cách pháp nhân.
           Sau khi vướng vòng lao lý, Nguyên thường xuyên phải đối mặt với hệ thống pháp luật đồ sộ của Ba Lan. Chán nản vì những cuộc gặp không mong đợi diễn ra hàng tuần với cảnh sát, luật sư, công tố viện, tòa án...Nguyên quyết định giảm qui mô kinh doanh nhằm „bảo toàn lực lượng”. Qua một người bạn có mối liên hệ với đường dây chuyên gia Việt Nam tại Châu Phi, Nguyên đặt mua xe máy từ Nhật để chuyển về Việt Nam. Hai tháng sau, Nguyên bay về nhận cả một container 60 chiếc Honda toàn loại DD, DE. Thật khó diễn tả được tâm trạng „mà niềm vui như đến bất ngờ” của Nguyên lúc đó. Từ một kẻ trước đó không lâu còn là công chức quèn ở một Bộ, hàng ngày hai vợ chồng vẫn lóc cóc đèo nhau đi làm trên một chiếc xe đạp ghẻ, thế mà bây giờ Nguyên đã sở hữu một gia sản bề nổi ngần ấy cái xe máy model đỉnh nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Cả nhà nội, nhà ngoại ngỡ ngàng, không ai nghĩ được rằng, chỉ sau ba năm du học tại Ba Lan đời Nguyên lại lên hương đến vậy.
            Đang loay hoay chưa biết phải xử lý như thế nào với 60 chiếc xe máy, Nguyên nhận được tin báo từ vợ cho biết áo gió hiện đang là mặt hàng hot tại Ba Lan. Nguyên quyết định chuyển toàn bộ xe máy thành áo gió để đánh sang Ba Lan. Thay vì đặt hàng „made in Cổ Nhuế, Trâu Quì” của các tổ hợp tư nhân, Nguyên đặt làm toàn bộ áo gió tại Xí nghiệp Mũ Đội Cấn. Với số lượng hàng hóa nặng tới vài chục tấn, nếu chuyển cargo hàng không chi phí vận tải sẽ rất cao. Được người anh họ làm việc tại công ty Vận tải Ngoại thương Viettrans gợi ý, Nguyên thử nghiệm mô hình vận chuyển container đường biển, theo hành trình Hà Nội – Hải Phòng – Singapore – Gdynia – Warszawa. Do lượng tàu biển từ Singapore đến cảng Gdynia (Ba Lan) rất ít so với lượng tàu cập cảng Hamburg (Đức) dày đặc nên hành trình trực tiếp đến Gdynia lâu hơn khoảng mười ngày nếu container quá cảnh tại Hamburg, rồi được kéo theo đường bộ về Warszawa. Mãi sau này việc vận chuyển container mới được thiết lập với hành trình tối ưu cả về thời gian và chi phí: Việt Nam – Singapore – Hamburg – Warszawa.
           Thời gian đó, do Việt Nam mới chuyển sang kinh tế thị trường và bước đầu hội nhập quốc tế, nên các chính sách về xuất nhập khẩu và hải quan còn vướng mắc nhiều thủ tục nhiêu khê. Lúc đó theo quy định, tư nhân và nhà máy không được phép xuất khẩu trực triếp. Để chuyển được toàn bộ số hàng hóa tương đương ba container, Nguyên phải trả chi phí dịch vụ ủy thác xuất khẩu cho một công ty ngoại thương nhà nước. Dù phải đương đầu với bao nhiêu khó khăn, ách tắc, cuối cùng ba container hàng dệt may của Nguyên đã lên tàu đúng thời hạn, để hơn một tháng sau cập cảng Gdynia (Ba Lan).  Theo hành trình vận tải, điểm cuối nhận container là Warszawa. Nhưng hải quan Gdynia lại không muốn thế, họ yêu cầu container phải được thông quan tại cảng trước khi chuyển tiếp lên Warszawa. Biết là vô lý, nhưng Nguyên vẫn phải cắn răng chịu đựng thêm  nỗi khó chịu nhân danh nền kinh tế mới thoát thai...quan liêu bao cấp. Nguyên tự tay lái xe vượt hơn 400 km, chỉ để giải quyết mỗi việc hết sức đơn giản: dúi vào tay thằng hải quan chết tiệt mấy trăm đô để nó không bắt dỡ, đếm cả container hàng. Tình trạng cửa quyền vẫn y chang như ở các nước quá độ...dân chủ.         
          Trong khi đi tìm đầu mối ủy thác xuất khẩu, tình cờ Nguyên được biết có một Việt Kiều Ba Lan, biệt danh H.Hen đang liên doanh với một công ty tư nhân trong nước để xuất khẩu nhiều container áo gió sang Ba Lan. Tám container của H.Hen cộng với ba cái của Nguyên, vị chi là mười một cái. Nghe tin đó, Nguyên cũng thấy choáng. Mười mấy container chứ có phải mười mấy kiện đâu. Từng ấy áo gió đổ cùng một lúc vào thị trường mới mở Ba Lan. Không thể đùa được, nhưng lúc đó dẫu có muốn phanh cũng không kịp nữa rồi. Thôi đành „nhắm mắt đưa chân”, trôi theo số phận. Nguyên làm phép tính „so với cargo hàng không, vận chuyển container rẻ hơn nhiều, nếu có chết, những thằng đánh cargo chết trước”. Thế mà chết thật, chết thảm thương trong vụ áo gió đầu tiên ấy. Cái sự đổ vỡ trong kinh doanh nó chẳng chừa một ai, kể cả Nguyên. Do ấu trĩ, thiếu kinh nghiệm, tất cả các doanh nghiệp áo gió tại Ba Lan cùng kéo chân nhau xuống vực trong cơn lốc hạ giá thê thảm để tháo hàng. Trước tiên cái chết tìm đến với những lô áo gió đã „lỡ” đánh theo đường cargo. Sau đó mới đến lượt các container áo gió chuyển bằng đường biển. Trong hai doanh nghiệp tiên phong tìm ra „châu Mỹ” là Nguyên và H.Hen, chả biết thằng nào hi sinh trước thằng nào. Không ai kiểm chứng được điều đó, bởi vì đối với doanh nhân đất Việt „được khoe, thua dấu” đã trở thành bí quyết làm ăn.
          Nguyên đau với nỗi đau của người chiến binh vừa ra quân trận đầu đã bị trúng đạn, tử thương. Ngần ấy cái xe máy với bao nhiêu là công sức đã bị thổi bay chỉ trong chốc lát. Nguyên đắng lòng, bất lực y như phải tận mắt chứng kiến cảnh tượng cả một container xe máy đang sủi tăm bọt, chìm dần xuống đáy biển sâu. Coi đây là vấp váp đầu đời trong sự nghiệp kinh doanh, Nguyên không cho phép mình được gục ngã nếu muốn tồn tại trên thương trường nghiệt ngã. Quyết chí làm lại, nó tìm mọi cách thu gom từng đồng vốn rơi rớt, chờ dịp. Đúng ngày Noel năm 1991, như một giải pháp cứu cánh, toàn bộ số hàng còn lại được Nguyên chuyển theo đường bộ sang thị trường „Liên Xô vĩ đại”. Sau hơn hai năm xa vắng, từ đây Nguyên lại trở lại với chiến trường xưa, nơi đầy ắp những kỷ niệm thân quen, gắn bó với nó một thời.







Phần 9: Thương trường nghiệt ngã Liên Xô
        Đất nước Liên Xô vĩ đại từ lâu đã đem đến cho Nguyên những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Vui cũng nhiều mà buồn không ít. Nguyên biết đến xứ xở này ngay từ khi nó còn bé lắm, bắt đầu từ những câu chuyện kể của người lớn, qua những bài tập đọc về Lê Nin, về Cách mạng Tháng Mười về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Lớn lên chút nữa Nguyên biết đến Liên Xô như người bạn lớn của Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Ở lứa tuổi đam mê đồ chơi vũ khí, nhìn những chiếc máy bay, những xe tăng, tên lửa, những khẩu súng AK-47...đầy uy lực diễu qua trước mắt, cậu bé Nguyên ngưỡng mộ vô cùng đất nước có biểu tượng búa liềm được viết tắt bằng bốn chữ đỏ CCCP.
        Khi Nguyên trở thành chàng trai trẻ, các bộ phim, cuốn sách, vần thơ Xô Viết, các bài ca, điệu múa Nga đã tràn vào Việt Nam, làm mê hoặc cả một thế hệ thanh niên đầy nhiệt huyết. Trong mắt Nguyên Liên Xô là bức tranh tuyệt đẹp với những cung điện, lâu đài tráng lệ, những thảo nguyên bát ngát xanh, những hàng cây bạch dương dịu dàng soi bóng nước...Cho đến ngày nay vẫn vậy, chưa bao giờ Nguyên hết say mê nền văn hóa Nga qua các tên tuổi  Puskin, Dostojevski, Lev Tonstoi, Trajcovski, Levitan...Nguyên mãi không thôi yêu mến và cảm phục con người Xô Viết
thông minh, đôn hậu, lạc quan và dũng cảm... 
        Thời sinh viên đại học kinh tế, Nguyên phải thuộc lòng các chỉ tiêu, các số liệu thống kê „hàng đầu thế giới“ của Liên Xô, được giáo huấn về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phát triển cao độ, trên cơ sở kế hoạch hóa, không có cạnh tranh và vì thế không biết đến khủng hoảng. Nguyên nhai đi nhai lại đến phát chán mớ lý luận về chế độ ưu việt có phúc lợi xã hội tốt nhất, dựa trên phân phối thu nhập công bằng và vì vậy không có kẻ giàu người nghèo... 
        Đến khi đi làm, lấy vợ, có con, Nguyên trở nên thực dụng hơn với nỗi lo cho cuộc sống gia đình. Lúc đó Nguyên biết đến Liên Xô hàng ngày qua câu chuyện của các đồng nghiệp quanh ấm chè nồng nặc mùi khói thuốc với các từ cửa miệng: tủ lạnh Saratov, xe máy Minsk, bàn là hoa dâu, nồi hầm áp suất, áo bay, thuốc lá Capstan...Nguyên ao ước đổi đời với một thùng hàng sau chuyến công tác hay thực tập ngắn ngày trên xứ sở huyền thoại ấy. Thế rồi Nguyên được đặt chân lên quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Không phải mơ mà là thực, không phải một lần mà rất nhiều lần. Nguyên không còn nhớ chính xác những chuyến  „tầu con thoi“ đi, về như thế nữa. Chỉ biết rằng nó đã ghi dấu chân mình lên hai nước lớn nhất trong Liên bang Xô Viết là Nga và Ucraina.
        Lần đầu bao giờ cũng khắc ghi những kỷ niệm khó quên. Ngày 20/09/1988 Nguyên thực hiện cuộc dấn thân đầu tiên vào „thành trì của chủ nghĩa xã hội“ trong một dịp tình cờ. Trên đường bay từ Hà Nội sang Warszawa du học, khi quá cảnh tại sân bay Sermechevo, Nguyên và năm người bạn cùng đoàn bị rớt lại. Ba ngày "may mắn" ở Mátxcơva đủ thời gian cho Nguyên tận mắt được chứng kiến sự thật sinh động về Nhà nước Công – Nông đầu tiên trên thế giới trong cơn hấp hối trước khi sụp đổ.
        Nguyên và các bạn được bố trí ở tạm trong khách sạn Aeroflot ngay cửa ngõ Mátxcơva để chờ nối chuyến bay đến Warszawa. Theo tiêu chuẩn xếp hạng, phải nới tay cho điểm, khách sạn này mới đạt tiêu chuẩn...khách sạn. Nội thất tuềnh toàng, tiện nghi nghèo nàn, người phục vụ mặt lạnh như bom. Nhưng chẳng sao, miễn có chỗ đặt lưng, không phải vạ vật nằm sàn là được rồi. Nguyên tặc lưỡi dễ dãi. Nhưng chính từ nơi này, niềm tin của Nguyên về con người Xô Viết bắt đầu rơi rụng. Bọn chúng phải bấm bụng tặng quà ba túi thêu và hai kimono để nhanh chóng được xếp chuyến bay và mua được sự yên bình. 
        Cho dù trải qua một thoáng hụt hẫng, nhưng đất nước vĩ đại này vẫn như ngày nào, đem đến cho Nguyên nhiều cảm xúc kỳ diệu. Sermechevo lúc đó là sân bay quốc tế to và hiện đại bậc nhất thế giới. Được biết hàng lang ống cho hành khách di chuyển ra vào máy bay chính là phát minh của các nhà khoa học Xô Viết. Từ sân bay vào thành phố, hai bên đường những cánh rừng trải dài bất tận. Cuối tháng chín thảm lá bạch dương bắt đầu nhuốm vàng thay áo sang thu.
        Có thể nói không ngoa rằng hệ thống tầu điện ngầm Mátxcơva đẹp nhất thế giới. Đường hầm hun hút dẫn xuống các nhà ga chôn sâu hàng trăm mét dưới lòng đất. Mỗi nhà ga một kiểu, lộng lẫy như những cung điện tráng lệ. Tám triệu người mỗi ngày đêm hối hả lên xuống nhờ những dàn thang cuốn chuyển động không ngừng. Với chiều dài 270 km, nhiều nơi đường hầm chồng lên nhau tới ba, bốn tầng. Hình ảnh những chàng trai, cô gái vừa gặm cá muối, vừa cắm mắt trên những trang sách trong các toa tàu mãi khắc ghi ấn tượng đẹp trong Nguyên về con người Xô Viết
hiếu học.
        Nơi Nguyên và bạn bè muốn đặt chân đến trước tiên trong ba ngày lưu lạc tại Mátxcơva,  không phải nơi nào khác chính là Quảng trường Đỏ huyền thoại, với Nhà Thờ Thánh Basil, Lăng Lê Nin, Điện Kremlin và Bức Tường hùng vĩ màu đỏ. Cảm giác choáng ngợp khiến con người trở nên nhỏ bé trước công trình xây dựng do chính bàn tay mình tạo nên. Các khối kiến trúc nguy nga theo kiểu truyền thống, cổ điển và hiện đại đan xen nhau hài hòa tạo nên dáng vẻ uy nghi, kỳ vĩ.  
        Ngay bên cạnh Quảng trường Đỏ, là tòa nhà bách hóa tổng hợp GUM. Khi chủ nghĩa xã hội đang cận kề bên ngưỡng sụp đổ, những ai muốn lưu giữ kỷ niệm đẹp đẽ và ấn tượng về Mátxcơva, về đất nước Liên Xô vĩ đại, không nên đặt chân đến chốn này.  Dù được bạn bè cho biết trước, nhưng Nguyên vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước sự tương phản giữa bề ngoài hoành tráng với bên trong trống rỗng, tan hoang của tổ hợp thương mại này. Trên cả bốn tầng lầu, các tủ hàng treo bày leo teo những bộ váy áo nhàu nhĩ, nhợt nhạt, các quầy kính đặt lưa thưa dăm ba vật dụng. Hàng hóa ở đây trông đơn điệu, thô kệch lại được bày trí cẩu thả. Người bán hàng uể oải ngáp vặt, không buồn đứng dậy mỗi khi có khách đến xem. Đúng là bộ mặt thương nghiệp xã hội chủ nghĩa ở đâu cũng vậy. Nguyên và đám bạn để ý tìm các sản phẩm nồi đồng cối đá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như bàn là hoa dâu, nồi hầm áp suất, quạt tai voi, tủ lạnh Saratov, áo bay...tuyệt nhiên không thấy bày bán ở đây dù chỉ một chiếc.
        Bi kịch thay! Chủ nghĩa xã hội khoa học đang phải oằn mình chống chọi với cơn lốc khủng hoảng ngay trên chính mảnh đất mà nó đã sinh ra. Nền công nghiệp Xô Viết mang danh hiện đại luôn tự hào với đỉnh cao chinh phục vũ trụ lại không thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, giản dị của người dân. Đã có lần, Nguyên được nghe câu truyện cười thời Xô Viết "Một lao động Việt Nam mua được lô quần bò ở GUM, về khoe với bạn cùng phòng. Anh kia không biết GUM ở đâu, anh này chỉ cặn kẽ rằng nó ở cạnh Quảng trường Đỏ, cứ đến đó thấy chỗ nào đông người xếp hàng, đó là nơi bán quần bò. Anh kia hý hửng ra đi. Chừng mấy tiếng đồng hồ sau, anh ta trở về mặt tiu nghỉu, nói như sắp khóc: - Thấy một chỗ người ta xếp hàng dài lắm, tôi đứng vào, nhích dần từng bước, mãi mới vào được bên trong thì ông bán quần bò (Lê Nin) đã lăn ra chết rồi". 
        Kí ức thời tuổi trẻ của Nguyên về quê hương Cách mạng Tháng Mười đẹp như bài ca, bản nhạc trữ tình. Vậy mà lúc này đây nốt nhạc Nga diệu kỳ ấy như đang bị đánh rơi xuống tận đáy cùng vực thẳm. Nguyên chống chếnh buồn, hoang mang như người bước hụt.
        Suốt thập niên 90 của thế kỷ trước, mặc dù Liên Xô đã tuyên bố chấm dứt sự tồn tại, nhưng các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) vẫn được các doanh nghiệp Việt Nam coi như một thị trường thống nhất với gần ba trăm triệu dân. Sau khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường, các nền kinh tế ấy bùng nổ nhu cầu hàng tiêu dùng giá rẻ nhập khẩu từ Châu Á. Thời gian này Ba Lan đã phát huy được vai trò đầu mối trung chuyển trong việc cung cấp hàng hóa cho thị trường vĩ đại có sức mua cực lớn này. 
        Trong kinh doanh cơ hội luôn song hành cùng thách thức, cơ hội càng nhiều thách thức càng lớn và ngược lại. Đồng tiền kiếm được trong cuộc cạnh tranh khốc liệt vì mưu sinh thật không dễ chút nào. Nó được kết bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu từ công sức của bao nhiêu con người. Liên Xô vĩ đại là nơi thành danh của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng là đất chôn vùi sự nghiệp biết bao mảnh đời bất hạnh. Nguyên cũng vậy, nghiệp kinh doanh của nó đã trải qua bao cung bậc thăng trầm tại đây. Nguyên vừa căm ghét đất nước này, lại vừa yêu quí nó. Nơi đây từng là bờ vực khiến Nguyên xảy chân rơi xuống đáy sâu không chỉ một lần, lại từng làm bệ phóng đưa nó đến đỉnh thành công. Có lúc Nguyên nguyền rủa vùng đất dữ dội đã lột nó đến trắng tay, nhưng cho đến tận bây giờ, trong thâm tâm Nguyên mãi mãi chịu ơn xứ sở này. 
        Sau cuộc chiến thảm khốc giành giật thị trường Ba Lan với các đối thủ Việt Nam, Nguyên rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Mùa đông khắc nghiệt khiến cho những chiếc áo chắn gió không chắn nổi cái lạnh thấu xương dưới nhiều độ âm. Áo gió rơi giá từng ngày, đang bán 125 nghìn zloty (tiền cũ) rớt xuống 85 nghìn, 65 nghìn... sau cùng không còn giá nữa. Thị trường áo gió Ba Lan ngay sau lễ thanh minh (01/11) tê liệt hoàn toàn. Lúc đó phần phía nam Liên Xô còn ấm áp nên áo gió ở đó vẫn nhúc nhắc đi.
        Có đơn đặt hàng từ thị trường lớn, Nguyên khấp khởi hy vọng tìm ra lối thoát. Nó khẩn trương thu gom những kiện áo gió chưa bán được, đưa sang Liên Xô tiêu thụ như một giải pháp vớt vát, cứu vãn. Ngay trước lễ giáng sinh năm 1991, Nguyên thuê xe tir chở toàn bộ số áo gió sang Mátxcơva, chiến trường quen thuộc với nó từ thời đánh máy tính. Thực hiện sứ mạng này, ngoài lái xe người Ba Lan, có thêm một người Việt Nam ngồi theo xe, áp tải. Nguyên không đi cùng theo họ, nó nhảy tàu sang bên kia đón đầu. 
        Do thời vụ gấp gáp, lại chưa có kinh nghiệm chuyển hàng đường bộ sang Mátxcơva, dù biết giáng sinh là ngày lễ thiêng liêng đối với người công giáo Ba Lan, nhưng Nguyên không thể lần lữa thay đổi kế hoạch được nữa. Nguyên và T. bạn nó bên Nga lại không cân nhắc tránh dịp nghỉ lễ cuối năm của người Nga nên bọn chúng phải canh xe, nằm queo trong rét mướt, buồn chán và thiếu ăn. Chỉ vì quá sốt sắng với thời vụ tiêu thụ hàng mà Nguyên làm khổ mấy người bạn đồng hành. Nạn nhân trước tiên và bi thảm nhất là tay lái xe người Ba Lan. Mười mấy ngày chờ đợi, không có ngày nào hắn không đấm ngực, than trời, rủa Nguyên độc ác. Nghe hắn rền rĩ mà não cả ruột gan. Nguyên biết hắn muốn ăn vạ, bắt đền, vì Nguyên mà hắn mất lễ giáng sinh và giao thừa cùng vợ con. Anh bạn người Việt Nam lại gần như không nói một lời, nhẫn nhịn chịu đựng như một nhà chính trị chuyên nghiệp. Mà quả thật, chỉ mươi năm sau anh ta đã leo lên đến hàm thứ trưởng.
        Nguyên và chiếc xe hàng sang đến nơi đúng ngày Liên Xô tuyên bố giải thể 25/12/1991. Thật không may cho Nguyên vướng vào dịp nghỉ lễ, phải treo xe chờ đợi, nhưng nó lại may mắn được trải qua những ngày lịch sử hiếm hoi. Trong hai tuần đó Nguyên tận mắt chứng kiến thảm cảnh nước Nga vật vã ngay sau ngày Liên Xô tan rã. Khó khăn, thiếu thốn lại đang giữa mùa đông, đêm dài ngày ngắn. Cảnh vật trông như bức ảnh đen trắng, bầu trời xám xịt, gió tuyết vần vũ, cây cối đen đúa xác xơ...càng khiến cho Mátxcơva lúc đó thêm ảm đạm.
        Nguyên và các bạn được bố trí ở trong một căn hộ 2 buồng không rộng hơn 40 m2, gần đường vành đai ba. Liên Xô chỉ thực sự vĩ đại với những thứ thuộc về nhà nước, còn của nhân dân cái gì cũng bé. Nguyên đùa, gọi hai tuần khổ ải này là thời gian lưu đày của Lê Nin. Có lẽ chẳng khác mấy, dù nó diễn ra ở ngay cửa ô thủ đô nước Nga những năm cuối thế kỷ 20. Không tiếp xúc, không giải trí, thiếu thốn, buồn chán và rét mướt... 
        Trong những ngày vạ vật ấy, đôi khi Nguyên đảo chân qua một chợ nông trường ở trung tâm Mátxcơva để tìm cách cải thiện vấn đề dinh dưỡng. Nơi đây giống như ốc đảo „thị trường tự do“ nhỏ nhoi trong lòng nền kinh tế bao cấp thời Xô Viết. Khác với các cửa hàng mậu dịch nhà nước, chợ nông trường bày bán đủ các loại thịt, cá, rau củ quả...phong phú, hấp dẫn trong thời buổi hiếm hoi thực phẩm tươi sống dành cho các bữa ăn tạm gọi là „xa xỉ“. Mùi gia vị, mùi cọng tỏi muối, mùi thịt cá tươi, quyện lẫn hơi người nồng nồng, vướng vất bên những gương mặt bán hàng
đầu đen xuất xứ vùng Cáp-ca-zơ, đưa đến cảm giác lờm lợm không mấy dễ chịu. 
        Xa xôi, cách trở cùng với nạn khan hiếm thực phẩm khiến cho bữa ăn của mấy thằng đàn ông lười biếng trở nên thê thảm y như thời chiến tranh. Đôi lúc hứng chí, Nguyên lại hào phóng tự thưởng cho cả bọn „đập phá“ tại các quán ăn rẻ tiền ven đường hay cạnh bến tàu, bến xe. Xập xệ, nhếch nhác, không mấy vệ sinh là hình ảnh thường thấy trong các hàng quán mà Nguyên ghé chân. 
        Thời bấy giờ, do hậu quả của chính sách đóng cửa toàn diện, Liên Xô như một thế giới riêng lạc lõng trong nền văn minh nhân loại. Cơn bão công nghệ thông tin, điện tử với computer, calculator lan nhanh trên địa cầu lại như bị chặn đứng trước „thành trì của chủ nghĩa xã hội“. Công cụ tính toán rất phổ biến lúc đó trên đất nước Liên Xô mà Nguyên thường thấy trên bàn thu ngân trong các cửa hàng hay trên tay cô phục vụ bàn trong những quán ăn lại là chiếc bàn tính gẩy bé bé xinh xinh có từ thời Trung Hoa cổ đại.
        Hai tuần quá đủ để Nguyên được trải nghiệm thực tế từ đó nhận thức đầy đủ về nền tảng xã hội Xô Viết „đã xây dựng xong chủ nghĩa xã hội phát triển, đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản“. Giữa sự thật và dối trá phải nhận thức như thế nào đây? Niềm tin trong con người đảng viên Cộng sản Nguyên lung lay tột độ. 
        Sau những ngày nghỉ lễ cuối năm, mọi người trở lại với cuộc sống thường nhật. Nguyên và đám bạn háo hức chia tay quãng thời gian vô vị, tẻ nhạt nhất trong đời để lao vào công việc. Ngay sau tuần đầu năm mới 1992, Nguyên và T áp tải xe hàng đến cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan, dỡ bỏ kẹp chì. Với Nguyên ở Ba Lan việc này quá đơn giản. Nhưng đây là công việc mới mẻ cho người Việt Nam ở Nga. Lạ một điều, hải quan Nga cũng lúng túng, họ chưa biết việc, hay muốn gì khác nhưng không dám nói trắng ra. Họ chỉ hết chỗ nọ, chỗ kia, rối tinh. Đến trạm hải quan thứ tư, đã quá mệt mỏi, Nguyên hết kiên nhẫn với các nhân viên công vụ Nga. Nó cùng vào với T. để trưc tiếp tay bo với sếp của trạm. Không cần lý luận nhiều, Nguyên đã hiểu bọn hải quan muốn gì. Thôi cứ đi tắt cho sớm chợ, khỏi vòng vo rách việc, lại mất thời gian. Đúng như Nguyên nghĩ, tiền vẫn là ngôn ngữ thông minh nhất trong tình cảnh nhà nước đang mục ruỗng.   
        Xong việc, Nguyên nói với T: „Ngày hôm nay cậy được cửa hải quan này là sự kiện trọng đại đối với cuộc đời mày. Đây là cơ hội hiếm hoi giúp mày đổi đời. Hãy tin tao đi! Cái cánh cửa ọp ẹp bẩn thỉu của trạm hải quan này được dát bằng vàng mười đấy. Tao có kinh nghiệm bao năm nay làm ăn theo mô hình này ở Ba Lan. Mày mạnh dạn bỏ đàn gà đẻ trứng với mấy con bò vắt sữa ở quê vợ đi. Lên Mátxcơva mà vơ tiền“. Nhìn cái điệu cười ngô nghê của thằng T, Nguyên biết nó vẫn chưa tin những điều Nguyên nói. 
        Sau vụ này, thằng T đưa cả vợ con lên Mátxcơva thuê nhà. Nó hăm hở muốn khai thác ngay cái mỏ vàng mà Nguyên vẽ ra viễn cảnh trước mắt nó. Nhưng chẳng có gì dễ, nhất là trong việc kiếm tiền. Muốn giàu phải hội đủ các tố chất trong con người, không thể thiếu dù chỉ một thứ. Lẽ ra với cỗ bàn được dọn sẵn, chỉ cần chí thú ngay từ thời đó, thằng T đã làm nên chuyện lớn. Lẽ ra  một số tên tuổi làm dich vụ hải quan có số, có má ở Nga như N. Đ.C  hay N.C.S chỉ dám đứng từ xa nhìn nó bái vọng. Thằng T lại không làm được như thế. Nó muốn có nhiều tiền, nhưng lại mắc bệnh hám gái với lại nghiện rượu, nặng đến độ vô phương cứu chữa. Ở đời lúc mới khởi nghiệp, thằng nào cũng thế, phải kìm nén bản năng, chỉ được chọn hoặc tiền, hoặc rượu và gái. Đằng này thằng T ham hố, nó chẳng chịu nhịn thứ nào, nó muốn có tất cả cùng lúc.
        Thằng T lúc đó mới ngoài 30 tuổi, nhưng đầu nó đã hói bóng, chỉ còn tí tóc lơ thơ hai bên thái dương. Y học hiện đại đã kết luận „người hói sớm là do hoóc môn tình dục nam vượt trội“. Chẳng biết người khác thế nào nhưng với thằng T thì quá đúng. Người nó lúc nào cũng rừng rực, xồng xộc như con chó dái. Rượu vào nó chém tưng tửng: „đêm không tính, sáng banh mắt, tao mà chưa được một nháy, con vợ tao đừng hòng ra khỏi cửa“. Không biết độ tin cậy đến đâu, nhưng Nguyên tin là nó nói thật. Thằng T có thể hành sự bất cứ lúc nào khi có cơ hội. Công việc dù quan trọng đến đâu, cứ có gái là nó vứt toẹt, chỉ để rúc đầu vào chốn ấy. Thằng T không nên người vì rượu và gái, tiêu tan sự nghiệp cũng bởi hai thứ ấy. Sau bao nhiêu năm lăn lộn trên thương trường, đến giờ này, khi mọi cơ hội vàng đã tuột khỏi tay, thằng T lại an phận với mấy con bò sữa và đàn gà đẻ trứng. 
        Sau khi làm xong thủ tục hải quan, chiếc xe tir chở đầy áo gió chạy thẳng đến Dom 5 trên phố Dimitri Ulianov để dỡ hàng. Đây là địa điểm rất nổi tiếng đối với người Việt Nam ở Mátxcơva thời những năm 80. Tòa nhà 7 tầng với hơn 600 phòng vốn là ký túc xá dành cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh nước ngoài của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Sau những thăng trầm của lịch sử, Dom 5 gần như biến thành nơi trú ngụ của các nhà khoa học Việt Nam tương lai, rồi lại sau bao nhiêu sàng lọc, đổi chác nữa, cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ, văn hóa Việt lại biến thành „trung tâm thương mại“ nuôi béo các khoa học gia kiêm nhà buôn nước Việt. 
        Đã từ lâu người Việt Nam biến nơi này thành một tụ điểm đầu mối hổ lốn vừa là nhà kho, nhà trọ, vừa là quầy giao dịch hàng hóa, quán ăn...trong đó có đủ các dạng dịch vụ từ cắt tóc, đổi tiền, mua vé máy bay, môi giới vận tải, giải quyết hộ chiếu, thị thực...Dom 5 lúc đó như một lãnh địa khép kín, như một cái làng Việt Nam trong lòng Mátxcơva. Nguyên đã đặt chân đến đây rất nhiều lần từ thời đánh máy tính và vàng. Trở lại sau hai năm, Nguyên vẫn cứ ngỡ ngàng, mặc dù cảnh đấy, người đấy, có lẽ do cường độ làm ăn đã tăng lên nhiều lần. 
        Cánh cổng gỗ của tòa nhà như ngăn đôi hai thế giới cách biệt. Chỉ cần lách người qua cửa vào bên trong, Nguyên có cảm giác như bị lạc vào một cái tổ mối khổng lồ. Những chiếc thang máy treo ròng rọc cổ lỗ đầy ắp hàng lên xuống không ngừng. Người đẩy hàng, người bốc hàng tấp nập đi lại như những chú mối thợ cần mẫn. Nguyên cùng T. đến các phòng quen, chào hàng áo gió. Phòng nào cũng xếp hàng cao chất ngất lên đến tận trần. Mọi khoảng trống gần như được tận dụng tối đa. Sàn chỉ còn đủ chỗ trải hai manh chiếu, ban ngày làm nơi ngồi ăn uống, tiếp khách, ban đêm trải đệm  làm giường ngủ. Khách xa ngủ lại qua đêm, phải xếp các kiện hàng, trải chiếu lên trên,
biến thành giường đệm. 
        Ba ngày vừa giao hàng, vừa thu tiền, Nguyên đã giải quyết xong toàn bộ số áo gió đưa sang, lại thu được giá cao gấp rưỡi so với ở Ba Lan thời điểm ấy. Vẫn biết Liên Xô là thị trường lớn, nhưng Nguyên không khỏi kinh ngạc về tốc đô tiêu thụ hàng ở đây. Lô áo gió chính là phép thử về sức mua của „thị trường mới nổi“ này. Thực trạng đó giúp Nguyên đưa ra một quyết định có tính chiến lược trong sự nghiệp kinh doanh của mình: „Gắn bó lâu dài, hợp tác toàn diện với thị trường Liên Xô vĩ đại“. Nguyên đã bám trụ, kiên nhẫn thực hiện ý nguyện này trong suốt hai mươi năm. Có thể nói một cách đầy tự tin rằng Nguyên là một trong số rất ít chiến sỹ „tình nguyện quốc tế“ Việt Nam xứng đáng được nhận Huân chương Hữu nghị của nhà nước Xô Viết (nếu còn tồn tại) cho thâm niên công tác dài hạn trên „thương trường nghiệt ngã Liên Xô“.



Phần 10: Quần bò Thái tràn ngập nước Nga 
        Từ khi Liên Xô tan rã, với dân số 142 triệu và diện tích 17 triệu km2, Nga vẫn là nước lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Về mặt chính trị, nước Nga là cường quốc thế giới. Về mặt thị trường, nước Nga là mảnh đất béo bở nuôi dưỡng nhiều nhà tỷ phú đô la có thương hiệu toàn cầu. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga và ngay cả tại Ba Lan cũng được thừa hưởng chút hương hoa ấy của một đất nước nghèo khổ nhưng vĩ đại trong giai đoạn chuyển đổi thể chế và chuyển đổi nền kinh tế. 
        Người xưa dạy „đục nước béo cò” không bao giờ sai. Những ai, không phân biệt tây hay ta, biết tận dụng triệt để cơ hội vàng trong kỷ nguyên vàng của thập kỷ 90 đều có thể ghi danh trong bảng xếp hạng những doanh nhân thành đạt nhất. Theo số liệu thống kê của tạp chí Fobest, hiện nay số lượng tỷ phú Nga đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Trong top 100 doanh nhân giàu nhất  thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều người thành danh từ chính cái nôi nước Nga trong „thuở hồng hoang” tranh tối, tranh sáng hậu Liên Xô.   
        Do nhiều nguyên nhân địa lý và lịch sử, trước năm 1994 đội ngũ soái Việt Nam tại Ba Lan đông hơn và giàu hơn tại Nga. Mười năm 1985 – 1994 là giai đoạn tích lũy nguyên thủy của các soái Việt Nam tại Nga mà đa phần dựa trên những mối quan hệ làm ăn với các đồng nghiệp Việt Nam ở Ba Lan. Nhưng nước nhỏ dẫu đi trước vẫn ít cơ hội hơn nước lớn tuy chậm chân. Sau năm 1994, các doanh nhân Việt Nam tại Nga mới thực sự bùng nổ và cất cánh rời khỏi bệ phóng, bỏ xa các đồng sự tại Ba Lan ở lại phía sau .   
        Ngày 25/12/1991 Liên Xô tuyên bố giải thể. Ngay trong năm 1992 hàng hóa nhập khẩu đã ồ ạt xâm nhập thị trường Nga, trong đó có hàng may mặc rẻ tiền made in Châu Á. Ba ngày đầu năm 1992, trong khi lê la giao áo gió tại Mátxcơva, Nguyên phát hiện đồ jeans Thái Lan đang được tiêu thụ như nước lũ cuốn trên thị trường Nga. Nguyên không lạ gì cái quần bò Thái mác Marvin. Ở Ba Lan giá một chiếc có 3,5 USD. Vậy mà cứ xe nào sang đến Mátxcơva, hết ngay xe đó. Thị trường Nga lúc đó khan hàng, y như sa mạc khát nước.   
        Mỗi xe tir tương đương một container 40 feet. Xếp chặt tay, được ba trăm kiện, mỗi kiện một trăm cái quần bò, tổng cộng cả xe khoảng ba mươi nghìn chiếc. Giá trị một xe tir quần bò Thái khoảng một trăm nghìn USD. Thời kỳ này quần bò người lớn là mặt hàng chủ đạo. Nhưng có nhiều xe đóng mix cả quần bò người lớn, quần bò trẻ con lẫn với các loại hàng khác như áo ren, áo chấm, váy bò Thái Lan, T-shirt trẻ con Trung Quốc, đồng hồ điện tử hiện số, nhạc chuông Hồng Kông... về sau có thêm hàng dệt kim Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng các loại từ mọi ngả đổ về các kho ngoại quan
Ba Lan, sau đó được các doanh nghiệp Việt Nam tái xuất sang thị trường Nga.   
        Thời gian đầu, người Việt Nam bên Nga hầu như không bỏ tiền vào đường dây đánh hàng. Họ làm đại lý bán hàng cho phía Ba Lan. Phương thức ăn chia: 2/3 lãi cho chủ đường dây phía Ba Lan và 1/3 cho người bán hàng phía Nga. Về sau, một số người Việt Nam bên Nga bỏ tiền tự  làm. Họ thuê người quen phía Ba Lan làm dịch vụ mua hàng, đóng xe, vận chuyển sang Nga.   
        Sau khi khảo sát thực tế thị trường, Nguyên quyết định làm cuộc dấn thân tham gia chiến dịch tái xuất hàng sang Nga. Công việc đầu tiên Nguyên phải làm là chọn người đại diện bán hàng ở Nga. Trong số bạn bè bên đó, Nguyên nhắm ngay Q.B bạn cùng học thi nghiên cứu sinh với nó thời còn ở Việt Nam. Q.B vừa bảo vệ thành công luận án tiến sỹ kinh tế, đang muốn về nước công tác. Một trận rượu lơ mơ xen lẫn lời đường mật của Nguyên khiến ngài tiến sỹ lung lay. Sau một đêm trăn trở suy tính, Q.B. đã nhận lời. Thực tế đã cho thấy Q.B là người có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết để điều hành công việc bán hàng cho Nguyên tại Nga trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch quần bò. Hiện nay Q.B đang đảm nhiệm chức Vụ trưởng một Vụ chuyên hoạch định các chính sách chiến lược của chính phủ Việt Nam.   
        Đầu xuôi đuôi lọt, Nguyên nghĩ thế. Ngay khi trở về Ba Lan, Nguyên dốc sức đánh một chuyến hàng chiến lược nhằm lên dây cót tinh thần cho các cộng sự trong cả đường dây. Thời trai trẻ, Nguyên rất liều lĩnh, tự tin và lạc quan. Nó triệt để tận dụng mọi cơ hội để „chỉ tiến không lui”. Nhiều lần đối diện với nguy cơ bại sản, nhưng Nguyên vẫn chấp nhận làm lại từ đầu với suy nghĩ ấu trĩ „còn người, còn của”. Rất lạ, trong đời, Nguyên ghét nhất thói cờ bạc, nhưng trong làm ăn, liều kiểu nó khác gì đánh bạc. Cái máu quyết liệt kiếm tiền, không sợ trắng tay có lẽ Nguyên được thừa hưởng từ má. Má Nguyên trước năm 1945 vốn là cô hàng tấm, buôn vải và thuốc tây tuyến Sài Gòn – Phan Thiết.  
        Vận dụng kinh nghiệm tìm kiếm nguồn hàng từ thời buôn máy tính, Nguyên mua báo, dò tìm mục quảng cáo rao vặt. Số phận lúc đó như gắn kết Nguyên với nghiệp „quần bò” trên đất Nga, vì thế tin rao bán một container váy bò Thái đập ngay trước mắt Nguyên ngay trên tờ báo đầu tiên. Thời điểm bấy giờ mặt hàng này đang là của hiếm tại thị trường Nga. Hăm hở lao ngay đến địa chỉ ghi trên báo, Nguyên sững người lại khi thấy một khách hàng Ba Lan đã đến trước nó. Ngồi nhâm nhi li cafe đắng ngắt trong lúc chờ đợi mà nhịp tim của Nguyên lên xuống theo độ thăng trầm của âm thanh cười, nói vọng ra từ phòng bên cạnh. Sau khi tiễn khách ra khỏi cửa, chủ hàng quay lại hồ hởi với Nguyên: „ông nghe cả rồi chứ?”. Nguyên vẫn cố vớt vát: „nhưng còn cơ hội nào cho tôi không?”. Đối tác láu lỉnh: „dĩ nhiên có, nếu ông đưa ra điều kiện tốt hơn, tôi không muốn nhập số hàng này vào Ba Lan”. Nguyên phấn chấn, giá cả với nó lúc đó không còn quan trọng nữa. Sau này Nguyên mới tỉnh ra: „Mẹ kiếp, thằng đến trước chết tiệt kia chính là chân gỗ”. Cũng chẳng sao, mất thêm ít tiền nhưng container váy bò của Nguyên sang đến Mátxcơva đã tạo nên cơn địa chấn trước cửa Dom 5. Khách mua tranh cướp nhau khuân hết hàng ngay tại xe. 
        Làm ăn với thị trường Nga không đơn giản, yêu cầu hội đủ các điều kiện cần thiết. Trước hết phải dày vốn, sau đó phải có mối quan hệ sâu rộng bên Nga và vấn đề khó khăn nhất, là tiếp cận được kênh chuyển tiền, vàng từ Nga sang Ba Lan. Vì thế tham gia vào chiến dich tái xuất hàng từ Ba Lan sang Mátxcơva lúc đó đa phần là các du học sinh Việt Nam đã từng cọ xát và trưởng thành trong thời kỳ kinh doanh đồng hồ điện tử, vàng và máy tính những năm 1989-1990. Họ không lạ lẫm với thị trường Nga, họ có các điều kiện cần và đủ thích hợp cho chiến dịch làm ăn với quy mô rất lớn này.  
        Cung cấp hàng Thái Lan chủ yếu cho người Việt Nam là các công ty Ba Lan như: Vospol, Vipol, Lop, Ocean, Omega, Humar, BuySell...những cái tên rất quen thuộc với người Việt Nam thời bấy giờ. Ông chủ những công ty đó là các doanh nhân Ba Lan xuất thân trí thức có tuổi đời rất trẻ. Họ trưởng thành theo từng bước đánh hàng cùng với nền kinh tế thị trường Ba Lan, từ nhỏ đến lớn, từ đường hàng không đến đường tàu biển, từ vài kiện cargo đến hàng chục container. Giữa họ có mối quan hệ vừa liên kết, hợp tác vừa cạnh tranh với nhau. Dù là bạn bè nhưng họ cũng sử dụng đủ các mánh, các chiêu để móc mồm, móc họng, triệt hạ lẫn nhau.   
        Công việc tìm kiếm nguồn hàng tại Ba Lan không dễ dàng chút nào. Hiệu quả mỗi chuyến xe phụ thuộc vào hàng tốt, hàng hiếm, giá mềm với cơ cấu hợp lý. Điều này khiến cho các nhà buôn trí thức Việt Nam thường ngày vốn là bạn học của nhau sẵn sàng sử dụng các thủ đoạn để tâng giá giành giật nguồn hàng, tranh nhau bốc hàng trước sau...Nguyên từng tận mắt chứng kiến vài vụ cãi lộn, chửi bới, thậm chí động thủ tay chân giữa các bạn bè của nó. Người Việt Nam ở đâu cũng vậy, vẫn mang đặc trưng chung của con người. Bên cạnh những nét đẹp nhân tính mong manh „lá lành đùm lá rách”, vẫn tồn tại một thực tế phũ phàng là „người trong một nước” chưa  „thương nhau cùng” trong cuộc mưu sinh vì miếng cơm manh áo.  
        Dom 5 (cũ) và nhà Thương vụ Việt Nam tại Mátxcơva, những địa điểm giao dịch quen thuộc thời đánh hàng tiểu ngạch, lúc này không còn đáp ứng được phương thức đánh hàng mới với qui mô hàng chục xe tir một ngày. Nhiều người Việt Nam tận dụng cơ hội, tìm kiếm mối quan hệ để thuê thêm một số tòa nhà làm nơi chứa hàng và giao dịch. Lượng hàng lưu chuyển trong suốt thời kỳ này chủ yếu diễn ra tại Dom 5 (mới) và Dom 11. Về sau, anh H chủ công ty Bến Thành san xẻ thị phần bằng cách mở thêm một số Ob. Anh H rất nổi tiếng ở Nga và cả ở Việt Nam những năm cuối thập niên 90 với chuỗi Trung tâm Thương mại mang tên „Ob. Xa-liut” 1,2,3. Anh H học cùng khoa trước Nguyên một khóa tại trường đại học kinh tế, nhưng làm nghiên cứu sinh lại sau Nguyên một năm.   
        Dom 5 (mới) và Dom 11 khá gần nhau. Hai tòa nhà to cao vật vã với hàng nghìn phòng lúc nào cũng chất ngất đầy ắp các loại hàng hóa. Mỗi ngày hàng chục xe tir từ Ba Lan sang, nối đuôi nhau vào đây dỡ hàng. Rồi lại nườm nượp hàng trăm xe tải ghé đít đóng hàng chuyển đi trên mọi nẻo đường nước Nga, tới tận cả vùng Siberi, Viễn Đông xa xôi và tới hầu hết các nước cộng hòa  Liên Xô. Hàng hóa đủ loại, nhưng nhiều nhất vẫn là quần bò Marvin Thái Lan. Để khắc ghi dấu ấn một thời làm ăn, những người tham gia đánh hàng gọi đó là „chiến dịch quần bò Thái”.  
        Doanh thu hàng hóa trao đổi mỗi ngày hàng triệu USD. Cả đô la, cả vàng, cả huân chương cao quí Lê Nin được huy động tối đa để chuyển cho các chủ hàng phía Ba Lan. Lúc đó ngoài buôn bán hàng hóa, người Việt Nam tại Nga triển khai thêm mảng thu đổi đô la và vàng trên khắp địa bàn Liên Xô rộng lớn. Đây là công việc mang lại hiệu quả rất cao nhưng luôn phải đối đầu với nguy hiểm rình rập.  
        Công đoạn cuối cùng khó khăn nhất cũng chứa đựng nhiều rủi ro nhất chính là khâu chuyển tiền, vàng từ Nga sang Ba Lan. Thời gian đầu tồn tại hai kênh ngầm chuyển ngân. Một kênh do người Việt Nam, một kênh do Tây điều hành. Đường dây của soái D.V.C là kênh Việt Nam lớn nhất lúc bấy giờ. Hộ chiếu đỏ Việt Nam hầu như không được sử dụng trong giai đoạn này vì đã bị đổ bể trong chiến dịch máy tính-vàng cuối năm 1989. Thay vào đó là hộ chiếu đỏ mang nhiều quốc tịch khác nhau. 
        Dẫu biết rằng chuyển tiền, vàng ra khỏi biên giới các nước thuộc Liên Xô là công việc hết sức nguy hiểm, nhưng lợi nhuận cao khiến người ta vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Người Việt đã làm là ham, là ít khi tính đến cửa lùi. Nhiều khi họ liều lĩnh tung hết tiềm lực vào một canh bạc. Nhưng trò đời không bao giờ có sự suôn sẻ tuyệt đối. Trăm lần thoát thế nào cũng có lần mắc, mà đã mắc dù chỉ một lần coi như xong. Giữa năm 1992 soái D.V.C cùng người cộng sự tên H bị hải quan Belarusia bắt tại cửa khẩu Brest trên chuyến tàu hỏa Mátxcơva - Warszawa với tang vật trị giá hơn nửa triệu USD.  
        Soái D.V.C cùng với anh H bị tạm giam chờ ngày ra tòa. Điều kiện nhà tù thời Xô Viết vô cùng khắc nghiệt. Hiếm có ai không nản lòng khi lỡ bước sa chân vào chốn đó. Nhưng thật diệu kỳ, một câu chuyện tình yêu chân thật của người trong cuộc đã cứu giúp hai bị cáo thoát vòng lao lý. Chị T tốt nghiệp đại học tại Nga, sang Ba Lan theo bố khi đó đang làm bằng tiến sỹ cấp hai. Tại đây chị T quen anh H, giữa hai người nảy nở tình yêu. Thừa hưởng gen từ bố, chị T có những phẩm chất vượt trội về trí tuệ, bản lĩnh và ý chí. Không cam phận nữ nhi, chị T quyết tìm cách cứu người yêu. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ đường đi nước bước, chị T dốc hết số tiền còm cõi dành dụm được, thân gái dặm trường lặn lội sang Belarusia. Tình yêu cùng nghị lực của chị T thấu hết chín tầng mây, lay động lòng Trời. Quá xúc động trước tình cảm mãnh liệt của hai người đang yêu, Trời đã ra tay cứu giúp. Anh H và dĩ nhiên cả soái D.V.C được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.  
        Chung tay xây dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng, mười năm sau chị T và anh H rất thành đạt tại Ba Lan. Có thể nói không ngoa rằng, chị T là nữ soái duy nhất ở Ba Lan không núp sau bóng chồng. Chị đã tự thân dựng nên sự nghiệp bằng chính trí tuệ và sức lực của mình. Hiện nay cặp vợ chồng này sống rất hạnh phúc, họ không những sở hữu một đại công ty xuất nhập khẩu tại Ba Lan mà họ còn là cổ đông lớn của một tập đoàn tài chính tại Việt Nam.  
        Sau khi kênh vận chuyển tiền, vàng của „du kích đường sắt ta” bị đổ bể, kênh tây được phát huy tối đa. Tuy nhiên rủi ro không vì thế mà giảm bớt. Hai tháng sau vụ soái D.V.C bị bắt, Bobbi một giao liên người Ba Lan đột ngột tuyên bố toàn bộ số tiền, vàng trị giá gần 1 triệu USD của chín người Việt Nam mà hắn ta cầm về từ Nga đã bị cướp tấn công, lấy sạch ngay trước cửa nhà. Không một ai tin điều đó, nhưng biết làm gì được nếu muốn tiếp tục làm ăn tại đây. Nguyên chịu tổn thất nặng nề trong vụ này. Nhưng nhờ sự tin cậy của chủ công ty Ba Lan cho ứng trước hàng,  trả chậm, một thời gian ngắn sau đó, Nguyên đã hồi phục hoàn toàn. Sau vụ Bobbi, người Việt Nam còn bị tổn thất trong nhiều vụ tiền vàng khác nữa. Nghiêm trọng nhất là vụ thu giữ hơn 80 kg vàng giấu trong một xe tir đã dỡ hàng chạy từ Nga về Ba Lan xảy ra vào đầu năm 1993.  
        Hàng nghìn xe tir và container quần bò Thái Lan tràn ngập nước Nga suốt từ cuối năm 1991 đến giữa năm 1994. Vòng quay tiền-hàng nhịp nhàng chuyển động, tích lũy lợi nhuận rất lớn cho người Việt Nam tham gia đánh hàng. Với đà tăng trưởng đều đặn không ngừng, ngay giữa thập niên 90, số doanh nhân triệu phú đô la người Việt tại Ba Lan và Nga có lẽ lên đến hàng trăm người. Nhưng ở đời khó ai có thể dự báo trước được thời vận. Đúng ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng chục xe chở đầy lính đặc nhiệm OMON đã đổ bộ, phong tỏa hai tòa nhà Dom 5 (mới) và Dom 11. Số hàng hóa trị giá ước tính khoảng năm mươi triệu USD bị thu giữ không có biên lai, vì vậy chẳng thể hy vọng có ngày lấy lại.   
        Biến cố bất ngờ xảy ra trong ngày định mệnh 19/05/1994 tại Mátxcơva đánh sập hy vọng của nhiều người Việt Nam muốn được ghi tên trong danh sách triệu phú đô la đầu tiên thời hậu Xô Viết. Sự kiện động trời này đánh dấu chấm hết cho một thời kỳ làm ăn oanh liệt nhưng đầy đau thương, làm tiêu tan cơ nghiệp của bao nhiêu con người. Sau hai năm rưỡi nhọc nhằn kiếm sống, đổ bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, rất nhiều người Việt Nam trong đó có Nguyên một lần nữa lại bị đẩy đến tình trạng gần như trắng tay. Lặng lẽ lui về ẩn dật, Nguyên co mình lánh xa thương trường suốt hai năm trời sau đó.

Phần 11: Khoảng lặng trong con mắt bão
        Nguyên sinh phải giờ gì không biết, chỉ biết số nó lẽ ra phải làm việc quần quật như trâu ngày, chó đêm. Nhiều thầy tướng và thầy tử vi bảo nó thế. Vậy mà đời Nguyên lại có hơn hai năm vật vờ như thằng bất đắc chí. Nó không làm gì theo đúng nghĩa của từ “kiếm ăn”. Suốt ngày Nguyên chỉ vùi đầu hết chăm vợ, chăm con, lại rong chơi vui thú văn nghệ, văn gừng. Có lẽ trong cuộc đời sôi động như giông bão của Nguyên, đây chính là thời điểm yên bình nhất. Nhưng “khoảng lặng trong con mắt bão” thường báo trước trận cuồng phong dữ dội sắp đi qua.
        Sau sự kiện đặc nhiệm OMON (Nga) tấn công Dom 5, Dom 11, Nguyên vẫn chưa bị dồn đến bờ vực như nhiều thằng bạn của nó. Mấy xe hàng đang chạy trên đường đã giúp Nguyên thoát hiểm khánh kiệt. Vơ véo số tiền còn lại, Nguyên đưa cả cho một anh bạn để đánh chung thép xây dựng từ Nga về Việt Nam. Lúc đó thép Nga đang bán rất chạy trên thị trường Việt Nam. Vậy mà đợi mãi chẳng thấy tiền đâu. Hết kiên nhẫn, Nguyên phải nói khó với anh bạn cho xin lại vốn, khỏi cần tính lãi. Thế mới biết trong chuyện làm ăn, phàm cái gì mình không kiểm soát được, tốt nhất không nên làm. Lòng tin đôi khi được nấu chảy thành vàng cho những kẻ thích làm giàu trên lưng người khác.
        Chán sự đời, chán kiếm tiền, Nguyên gạ vợ đẻ. Lúc đó con gái lớn của Nguyên đã tám tuổi. Mải làm ăn, hai vợ chồng quên cả việc rất lớn của đời người là đẻ. Thấy vợ oải, Nguyên xòe hai bàn tay ra trước mặt vợ, hứa: “Nếu ra con gái, anh sẽ cơm nước nửa năm, nếu được con trai, cả năm luôn”. Thực ra Nguyên không bị áp lực chuyện con trai, con gái. Dù sao đứa đầu đã đái ngồi thì đứa sau đái đứng vẫn hơn. Vợ Nguyên nghe chồng hứa, cười hiền: “vạch vôi vào miệng anh, đã bao giờ anh nhúng tay làm việc nhà đâu”. Nguyên hồ hởi, vung tay thề thốt. Thế rồi hơn chín tháng sau, nhà Nguyên có thêm nhân khẩu mới, mà lại thằng cu mới oách. Cả nhà nó ngất ngây với hạnh phúc mới. Đi đâu được câu khen biết đẻ, Nguyên mãn nguyện lắm. Kỳ thực Nguyên có biết tính toán, kiêng khem gì đâu. Nó chỉ cặm cụi hàng đêm làm mỗi cái việc đi càn. Trai hay gái ấy là mệnh Trời.
        Người đời thường nói: “Ông Trời công bằng, không cho ai tất cả, cũng không lấy hết của ai mọi thứ”. Từ khi có cái mầm sống của thằng cu trong bụng vợ, công việc làm ăn của Nguyên lết bết hẳn. “Được người thì mất của”, Nguyên thường an ủi vợ thế. Đối với Nguyên, hai đứa con mới thực sự là tài sản vô giá và niềm vui đẻ được con trai đủ bù đắp lại cho Nguyên nỗi buồn mất tiền, mất nghiệp.
         Cuộc đời con người vận động theo hình sin, có tính chu kỳ. Hết suy đến thịnh, “hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai”. Cho rằng thời điểm làm ăn đang vào vận suy, Nguyên nằm im chờ thịnh. Lui cui, chí thú việc nhà, Nguyên không ngó ngàng gì đến việc làm ăn. Nó lặng lẽ lui về ở ẩn, xa lánh thương trường, nơi cả thiên hạ vẫn đang lên cơn xình xịch, hối hả đêm ngày. Nhưng Nguyên không thể ngồi yên mà không làm gì, với nó làm việc là tồn tại. Khi không dấn thân vào thế giới vật chất nhiễu nhương, Nguyên chọn lĩnh vực tinh thần thanh tao.
        Mùa thu năm 1994, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan ra đời. Về thứ tự có thể nói đây là tổ chức  thứ hai của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan sau Hội Văn hóa Xã hội của các cựu du học sinh. Trong Hội Doanh nghiệp, lúc đó Nguyên là nhân tố trẻ, vì thế nó được giao phụ trách Câu lạc bộ, biên tập tờ báo Tương Lai và các việc liên quan đến đàn ca sáo nhị, vui chơi giải trí của Hội. Trên cương vị này, Nguyên có điều kiện tiếp xúc với đủ các hạng người từ những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời ca nhạc trong nước và hải ngoại đến bọn du côn cặn bã của cộng đồng.
        Trụ sở Câu lạc bộ đặt ngay tại trung tâm Warszawa rất tiện lợi cho việc đi lại và tụ họp. Trong  căn hộ ba buồng rộng hơn trăm mét vuông có hai bàn bilard, hai bàn bóng, mấy bộ bài...Lúc đầu địa điểm này vừa là nơi giao lưu, vừa là chỗ thư giãn cho các hội viên doanh nghiệp. Nhưng “Hữu xạ tự nhiên hương”, cộng thêm sự dễ dãi của một người quản lý muốn tăng thêm thu nhập, nhiều kẻ giang hồ có số, có má trong cộng đồng lân la, trà trộn đến đây bài bạc, đánh bilard cá độ…thậm chí bọn chúng còn tìm cách tiếp cận với một số hội viên.
        Thời gian này Nguyên chạm mặt gần như hàng ngày với nhiều tên tuổi cộm cán từng bị truy nã về tội giết người, cướp của từ Đức, Bungari, Czech...phiêu dạt sang Ba Lan. Những cái tên Minh Già, Tùng Mượt, Cường Đốm, Giang Con…luôn là nỗi khiếp sợ của nhiều người Việt tha hương trên đất Ba Lan. Câu lạc bộ hoạt động chừng hơn tháng, có lần chuông điện thoại reo, Nguyên nhấc ống nghe, đầu dây bên kia một người xưng tên Hải Chó. Hắn hỏi Câu lạc bộ cần bảo kê không. Nguyên lặng người đi vì tức, nhưng nó vẫn kịp dằn lòng: “Ngài trung tá Krzystof, trưởng phòng chống tội phạm cảnh sát thành phố Warszawa đã bố trí bảo vệ rồi. Có cần số điện thoại của ông ấy không?”. Mới nói đến đấy, Nguyên nghe đầu dây bên kia bẽ bàng một tiếng “kịch” nhẹ. Nguyên không hề dọa xuông. Nó có card visite của ngài trung tá cảnh sát trong một trận rượu tưng bừng cách đó không lâu.
        Nguyên không ngán gì tụi vô lại này. Nó chẳng có bí quyết gì đặc biệt, chỉ vì nó nắm được ba điểm yếu của các tay “phia pháo làng xã”: Thứ nhất, bọn chúng không biết tiếng nên luôn thấy lẻ loi trong xã hội Ba Lan. Thứ hai, bọn chúng rất sợ cảnh sát nước sở tại. Thứ ba, chỉ “khôn nhà dại chợ”, đầu gấu ta lại rất ngán đầu gấu tây. Gót chân Asin của đám giang hồ lại là thế mạnh của Nguyên. Vậy mà không hiểu sao có vài doanh nhân tiến sĩ người Việt lại bị đám anh chị “tư duy bằng cơ bắp” điểm huyệt. Rất chán, nhưng đó là những câu chuyện rất thật từng diễn ra ở Ba Lan thời đó.
        Có hai dạng doanh nhân trí thức giao du bằng hữu với đám du côn. Một, do hèn nhát, họ muốn nấp bóng bọn này với hy vọng được che chở hay buông tha. Hai, với ý đồ lưu manh, họ muốn sử dụng bọn này để chèn ép các đồng nghiệp trong việc làm ăn. T.M. một nghiên cứu sinh có tiếng trong giới kinh doanh của người Việt tại Ba Lan chỉ vì hai phát súng gaz bắn vào kính nhòm trên cửa căn hộ mà nhiều lần phải cống nạp cho bọn cướp. Có lẽ do quá sợ hãi và không chịu nổi sự quấy nhiễu, T.M. đưa cả gia đình về Việt Nam ngay sau đó. Trong họa có phúc, biết đâu câu chuyện “tái ông mất ngựa” lại cho T.M. cơ hội trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Doanh nhân Đ.N. thường chén tạc chén thù với đám du thủ du thực. Có lần hứng chí Đ.N. còn đưa một số tên về nhà đánh bài, nhậu nhẹt. Một lần Đ.N. chở con gái sáu tuổi ra sân tennis chơi, mới hết một hiệp, Đ.N. tá hỏa không thấy con  đâu. Ba ngày sau con gái của Đ.N. được cảnh sát giải thoát trong một căn nhà ngoại ô. Kẻ bắt cóc tống tiền bị bắt giữ, lĩnh án bảy năm tù. Thủ phạm không xa lạ, chính là kẻ thường ngày vẫn giao du cùng khổ chủ.
        Người Việt Nam tại Ba Lan những năm 90 hầu như ai cũng biết tên Tùng Mượt, dù chưa nhìn thấy mặt hắn bao giờ. Biệt danh Mượt luôn được gắn với cái tên Tùng, bởi đầu hắn lúc nào cũng chải gôm, lật ra phía sau. Tứ mùa, hắn chuyên mặc comple trắng, gi-lê trắng, đi giày mõm nhọn cũng màu trắng. Tùng Mượt người bé quắt, cao không quá mét sáu, ngực mỏng dính, chân tay khẳng khiu. Cân cả quần áo, cả giầy, cả kính gọng vàng, cả gôm được chừng 45 cân. Nếu không vì cái tên Tùng Mượt gắn theo người, bất kể ai gặp nó đều nghĩ “thằng này anh chị gì, chỉ ăn một đấm chắc phải húp cháo cả tuần”. Vậy mà không ai dám làm cái việc liều lĩnh ấy, bởi nó tuy hom hem nhưng cực đểu trong nghề ném đá dấu tay. Phải nói Tùng Mượt nhỉnh hơn một đầu so với bọn vai u thịt bắp khác, thế nên dưới trướng nó có rất nhiều đàn em.
        Người ta đồn rằng, Vinh Gấu cùng thằng đệ tử ruột lĩnh mấy phát đạn vào đầu trong vụ cờ gian bạc lận tại căn hộ trên phố Pereca trung tâm Warszawa cuối năm 1995 là tác phẩm của Tùng Mượt. Ai cũng nghĩ thế, vậy mà Tùng Mượt vẫn nhở nhơ chỉ điểm cho côn đồ tây trấn lột và đột vòm người Việt. Những năm 90 người Việt rất hay bị cướp trên đường từ chợ Sân Vận Động về nhà. Lại còn nạn chủ đi chợ, trộm đến nhà cậy khóa lục tung đồ đạc tìm tiền. Có người mất cả trăm nghìn đô vẫn phải ngậm tăm không dám báo cảnh sát vì sợ tiền không có nguồn gốc. Ai cũng bảo băng đảng của Tùng Mượt cộng tác với tây gây ra những chuyện đó.
        Một dạo trong cộng đồng người Việt rộ lên chuyện các nạn nhân bị cướp tấn công ngay tại căn hộ của mình. Bọn cướp chuyên dùng bàn là nóng làm phương tiện tra tấn. Có hai vợ chồng trẻ thuộc loại nhiều tiền trở về nhà sau một ngày làm việc. Họ vừa mở khóa, mấy thằng cướp xông đến, đạp cửa ập vào. Người chồng bị trói vào ghế, chứng kiến bọn cướp dùng bàn là nóng, nhè má vợ tra tấn. Mỗi lần nghe vợ thét lên quằn quại, người chồng như chịu ngàn mũi kim châm, đau đớn. Chịu không nổi, người chồng phải chỉ cho bọn cướp chỗ dấu tiền tích cóp được sau bao năm lăn lộn làm ăn. Vụ án thương tâm chấn động dư luận là vụ cô gái bụng bầu 8 tháng bị bọn cướp người Việt tấn công ngay tại căn hộ ở khu Brama Zelazna trung tâm Warszawa. Quá hoảng sợ khi nhìn thấy chiếc bàn là bốc khói trên tay tên cướp, cô gái lao ra ban công kêu cứu. Trong lúc giằng co với bọn cướp, cô và đứa con sắp sinh trong bụng đã rơi từ tầng 8 xuống đất, chết ngay. Người ta nói cách thức dùng bàn là tra tấn dã man để cướp, được du nhập từ các băng đảng người Việt tại Đức.
        Một ngày nọ, Q.S. hội viên Hội doanh nghiệp, người bạn thân thiết của Nguyên bỗng dưng mất tích. Gia đình báo cảnh sát, nhưng càng tìm càng vô vọng. Ba tháng sau, cảnh sát thông báo tìm thấy xác Q.S. tại một vùng gần biên giới với Ukraina. Lý do chính xác về cái chết của Q.S. không ai biết, người ta chỉ đồn đại với nhau rằng, Q.S. có liên quan đến đường dây đưa người của Tùng Mượt. Theo một nguồn tin thân cận, Q.S. chết vì cả gan dám cặp bồ với cô vợ trẻ của Tùng Mượt trong lúc hắn đang thụ án tù một năm.
        Tội ác tày trời Tùng Mượt gây ra với người Việt lương thiện tại Ba Lan không sao kể xiết. Ai nghe cũng nghiến răng căm giận, rủa: “nó ác thế sao không bị Trời đày”. Chẳng biết lời than của đám con Trời vọng cao đến đâu mà bỗng dưng Tùng Mượt lăn ra chết. Nó chết vì sốc thuốc. Từ ngày xác nó được hỏa thiêu, chuyển về Việt Nam, tình hình an ninh cộng đồng lắng dịu hẳn.
        Ngoài việc phụ trách Câu lạc bộ, Nguyên còn tham gia tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Nói không ai tin, nhưng quả thực Nguyên chưa bao giờ có ý định nhặt tiền lẻ từ việc mời các đoàn ca nhạc sang biểu diễn phục vụ cộng đồng. Nó luôn coi việc đó như làm công tác xã hội. Lúc còn nghèo, người Việt thường mải miết làm ăn, tận dụng mọi cơ hội để kiếm tiền, họ không có thời gian dành cho vui chơi giải trí. Khi có tiền, họ quan tâm hơn đến đời sống tinh thần. Có cầu ắt có cung. Từ năm 1995, các hoạt động văn hóa nghệ thuật nở rộ như một trào lưu. 
        Biểu diễn nghệ thuật vừa là dịp cộng đồng được thưởng thức các tiết mục ca, múa, nhạc, tạp kỹ đặc sắc, vừa là cơ hội cho các quí bà, quí cô khoe những bộ áo váy dạ hội từ lâu vẫn cất kỹ sau cánh tủ. Thời gian này hầu hết những tên tuổi hàng đầu trong giới ca sỹ hải ngoại, lớp trước có Khánh Ly, Chế Linh, Thanh Tuyền, Hương Lan..., lớp sau có Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Lưu Bích, Ý Lan...đến các ca sỹ thế hệ trẻ như Đon Hồ, Linh Đa Trang Đài, Như Quỳnh, Thế Sơn...cùng với đôi MC tài danh Ngọc Ngạn, Kỳ Duyên đã lần lượt góp mặt trên sân khấu Cung  Đại hội tại Warszawa.
Thời đó được về thăm Việt nam đối với các ca sỹ hải ngoại vẫn còn trong mơ. Một lần khi giao lưu với khán giả hầu hết người Bắc, Khánh Ly đã rơi nước mắt, chị trải lòng nỗi nhớ Hà Nội, nỗi nhớ con phố Hàng Bông, nơi chị cất dấu kỷ niệm tuổi thơ, mà sau hơn bốn mươi năm chị vẫn chưa một lần được thăm lại.
        Ca nhạc hải ngoại diễn mãi cũng nhàm. Ca nhạc trong nước được dịp thế chân. Trước đây qua thông tin méo mó từ báo chí, Nguyên lại thương bầu sô, ghét ca sỹ chảnh. Nhưng qua nhiều lần trực tiếp tổ chức biểu diễn, Nguyên mới hiểu vai trò của “sao” trong việc lôi kéo khán giả đến nhà hát. Tiền nào của nấy, sao xứng đáng được nhận cát xê cao để nâng tầm chất lượng cho buổi diễn (dù chỉ là thị hiếu thị trường) và đem lại doanh thu cao cho nhà tổ chức.
        Làm đẹp lòng “sao” là công việc không dễ dàng. Trong một bữa tiệc Hội Doanh nghiệp chiêu đãi đoàn nghệ thuật trong nước, hoa hậu Việt Nam đang độ tuổi teen lý luận “đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không có ý nghĩa về mặt kinh tế mà chỉ tạo điều kiện cho tội phạm quốc tế rửa tiền”. Một doanh nhân Việt Kiều nghe vậy liền phản biện. Cô hoa hậu bảo vệ quan điểm của mình đến cùng, vị doanh nhân lại không muốn chiều lòng người đẹp. Càng lúc giọng cô hoa hậu càng gay gắt. Xem ra cả hai đều không có ý định khoan nhượng. Bỗng nhiên hoa hậu đứng phắt dậy: “Anh Nguyên! Em muốn lập tức rời khỏi nơi này, anh chở em đi nhé”. Cả buổi tối hôm ấy, bên ly cafe, Nguyên ra sức vỗ về để người đẹp MC không “lăn ra ốm” trong buổi biểu diễn đêm hôm sau.
        Thời đó giá cước điện thoại gọi về Việt Nam rất đắt, hotel tính 5 USD/phút. Ban tổ chức đề nghị cắt điện thoại quốc tế các phòng, ai muốn gọi phải xuống reception trả tiền trực tiếp. Vì việc này, “Người đàn bà hát” đã giận dỗi, phản ứng. Đêm hôm sau, trước gần ba nghìn khán giả, dưới vòm sân khấu lộng lẫy ánh đèn mầu, “Người đàn bà hát” rũ rượi trong bộ váy áo xộc xệch, nhàu nhĩ, với duy nhất một bài hát vô hồn. Cô bảo mất giọng vì ho. Thay vào đó, cô nữ sinh chưa thành danh đang học năm thứ hai Nhạc viện Hà Nội trình bày năm bài hát như để khỏa lấp chỗ trống do đàn chị để lại. Bằng giọng hát của một Diva tương lai, bằng nhiệt huyết từ con tim, bằng tình cảm chân thật và thái độ nghiêm túc, “ca sỹ tóc ngắn” lúc đó mới hai mươi tuổi khiến cả nhà hát ngất ngây òa vỡ nhiều lần.
        Trải qua nhiều năm, các Diva, các ngôi sao ca nhạc Việt Nam, hầu như không thiếu một ai đã lần lượt đến Ba Lan biểu diễn phục vụ cộng đồng. Mỗi người mỗi vẻ, họ để lại nhiều dấu ấn khó quên, nhiều câu chuyện thú vị, thậm chí cả những mối tình lãng mạn. Những cống hiến họ để lại Ba Lan không nhỏ. Họ góp phần thay đổi diện mạo cuộc sống tinh thần cho bà con sống xa quê hương, họ tạo dựng nét đẹp văn hóa Việt Nam trong lòng bạn bè.
        Dù xa lánh thương trường, xa lánh công việc làm ăn, nhưng những năm tháng đáng nhớ ấy với Nguyên vẫn là quãng thời gian có ích cho mình và cho đời. 


Cung Đại hội nơi diễn ra các buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ cộng đồng


Bên trong Cung Đại hội với 2880 chỗ


Ca sỹ tóc ngắn trong một lần lưu diễn tại Warszawa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét